Xăng dầu, gas giảm giá liên tiếp, người tiêu dùng không còn lo tăng giá thực phẩm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giá xăng dầu và giá gas giảm liên tiếp trong thời gian gần đây có tác dụng kìm giữ đà tăng của giá thực phẩm.
Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn có thể tăng dịp cuối năm

Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn có thể tăng dịp cuối năm

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV - thuộc Bộ Công Thương) cho biết, sau khi trải qua 24 lần điều chỉnh với 10 lần giảm, giá mặt hàng xăng, dầu đã ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, mang những tác động tích cực đến đời sống của người dân.

Cụ thể, trên thị trường nội địa, từ 15h ngày 12/9 vừa, giá xăng, dầu trong nước đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng A95 từ 24.230 đồng giảm còn 23.215 đồng/lít; xăng E5 từ 23.359 đồng giảm còn 22.231 đồng/lít.

Cùng với đó, mặt hàng gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng có những biến chuyển theo đà giảm của giá xăng. Cụ thể, giá gas bán lẻ trong nước từ ngày 1/9 tiếp tục giảm tháng thứ năm liên tiếp và là lần thứ sáu trong năm 2022, với tổng mức 104.000 đồng/bình 12 kg.

“Người tiêu dùng phấn khởi, không còn lo giá thực phẩm tăng theo giá xăng khiến việc chi tiêu khó khăn”- MXV nhận định.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng dầu bình quân từ kỳ điều hành ngày 12/9 tiếp tục có chiều hướng đi xuống. Do đó, ở kỳ điều hành ngày 21/9 tới, giá mặt hàng này có thể tiếp tục giảm mạnh về chỉ còn trên 20.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu giảm là cơ sở để kìm giữ giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, diễn biến giá xăng dầu trên thế giới còn rất phức tạp, đà giảm của giá xăng chưa bền vững. Thế nên, cần theo dõi sát giá mặt hàng này.

Mặt khác, cơ quan này cũng đưa ra dự báo, các tháng cuối năm, giá một số loại lượng thực, thực phẩm vẫn có xu hướng tăng vì cầu tăng lên. Bên cạnh đó, giá một số nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… vẫn nhích lên, tác động lên giá hàng hóa trong nước.

Thực tế qua các kỳ giảm giá xăng liên tiếp gần đây kể từ tháng 7/2022 cho thấy, dù giá xăng dầu, giá gas giảm mạnh nhưng nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ giá ở mức cao sau khi điều chỉnh tăng vào khoảng tháng 5, tháng 7. Áp lực chi phí tiêu dùng với người dân vẫn còn rất lớn.