Xăng dầu "đội giá" kỷ lục, vận tải khách hụt hơi như “bơi giữa biển mà không có phao”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vận tải là lĩnh vực bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ giá xăng dầu. Với giá xăng đang ở mức kỷ lục hơn 31.500 đồng/lít như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải khách đã hụt hơi mà còn phải “bơi giữa biển mà không có phao”.

Lái xe chán nản bỏ nghề, doanh nghiệp cầm cự 50% số xe

Các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào cảnh “ế khách” do giá cước tăng cao, kinh tế khó khăn nên người dân thay vì di chuyển bằng taxi đã tự sử dụng phương tiện cá nhân.

Các lái xe taxi cho biết, để đổ đầy bình xăng loại xe con 5 chỗ, so với cách đây thời gian ngắn, số tiền phải chi ra đã tăng thêm từ 300.000-350.000 đồng/lượt đổ. Cụ thể như, với dòng xe Toyota Vios, nếu trước kia các lái xe chỉ cần đổ khoảng 800.000 đồng là đầy bình, thì hiện nay cần khoảng 1,1 triệu đồng.

Xăng tăng giá, đồng nghĩa các hãng taxi kể cả taxi công nghệ phải tăng giá cước để bù chi phí. Nhưng khi tăng giá cước thì khách không đi xe nữa.

Anh Nguyễn Đức Trọng, một lái xe taxi công nghệ ở Hà Nội cho biết, xăng tăng giá mạnh mà các hãng không giảm chiết khấu cho lái xe, thành thử thời điểm này “thu nhập chán lắm”.

Các doanh nghiệp vận tải khách đang phải "gồng mình" cầm cự với bão giá xăng dầu

Các doanh nghiệp vận tải khách đang phải "gồng mình" cầm cự với bão giá xăng dầu

“Nhiều ngày tôi đỗ mãi ở khu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo (Hà Nội) mà không có khách, lại phải nổ máy đi điểm khác. Chỉ được một lúc vào giờ cao điểm trưa, còn lại cả ngày khách lác đác. Các Công ty điều hành như be hay Grab không giảm chiết khấu cho lái xe, vẫn thu đủ thành thử khó khăn đổ hết lên đầu anh em lái xe”- anh Trọng cho hay.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt, chủ hãng xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho biết, giá xăng, dầu tại Việt Nam biến động theo thế giới, thậm chí sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.

“Đặc thù du lịch Sa Pa (Lào Cai) vào mùa hè thường ít khách hơn mùa đông. Nếu vì giá xăng tăng mà đề xuất tăng giá vé, lượng khách đi xe sẽ ngày càng sụt giảm. Doanh nghiệp khó lại chồng thêm khó”, ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, hiện doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở, tiết kiệm chi phí vận hành bằng cách giảm số lượng xe chạy, chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe mới không bị lỗ.

Cùng chung nỗi lo, ông Hán Trọng Bằng, chủ doanh nghiệp vận tải Cường An chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, những khó khăn từ dịch Covid-19 chưa qua đi, doanh nghiệp lại đang đối mặt với nhiều thách thức về giá xăng dầu liên tục tăng.

Giá xăng tăng khiến doanh nghiệp phải đề xuất tăng giá cước, hiện giá vé tuyến Hà Nội - Tuyên Quang là 120.000 đồng (tăng 20.000 đồng so với trước đây).

“Giá tăng, lại không tiện lợi, nhiều hành khách đã lựa chọn dịch vụ đi xe ghép, xe chung thay vì xe khách cố định khiến lượng khách trên tuyến ngày càng thưa thớt. Hiện doanh nghiệp đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản.

Chưa kể, toàn bộ số xe của công ty phải nằm dài trong 2 năm dịch trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả và niên hạn xe vẫn tăng, khiến giá trị xe giảm, thậm chí giờ có thế chấp xe để vay thêm cũng rất khó”, ông Bằng chia sẻ thêm.

Xin miễn thuế bảo vệ môi trường hết năm 2022

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 10 lần. Dự báo, giá xăng, dầu sẽ còn tăng cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2022.

Theo ông Hùng, đây là một thách thức rất lớn đối với hoạt động vận tải. “Thực tế các doanh nghiệp đang rất khó khăn, việc khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải trở lại mới đạt được 70% nhưng lại đang gặp nhiều thách thức về thiếu hụt lao động do trung tâm đào tạo dạy nghề ngừng hoạt động trong 2 năm qua, hay do thời gian giãn cách xã hội dài vì Covid-19. Đã vậy, giá xăng tăng liên tục, lái xe đi làm không có thu nhập phải chuyển đổi công việc khác”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35-40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải.

Điều chỉnh giá cước vẫn phải nằm trong quy định của bình ổn giá, vận tải muốn tăng giá phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, ông Hùng kiến nghị Liên Bộ Công Thương – Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường (hiện nay, thuế bảo vệ môi trường mới giảm 50%) để được gỡ khó qua giai đoạn hiện nay...