Xăng dầu leo lên mức giá kỷ lục, vận tải chưa kịp phục hồi đã gục ngã

ANTD.VN - Giá xăng đã vươn tới mốc lịch sử, xấp xỉ 30.000 đồng lít xăng Ron95; Ron92 ở mức xấp xỉ 29 đồng/lít, dầu diezel hơn 26.600 đồng/lít. Vận tải hàng hóa và hành khách đều trong tình trạng “vừa thoát khỏi dịch gặp ngay "bão" giá xăng dầu”.

Chi phí dầu chiếm 50% cước vận tải

Câu chuyện anh Võ Trọng Hưng, Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh - Công ty CP vận tải VIC (Hà Nội) đề cập đến vào những ngày qua đều liên quan đến cước vận tải hàng hóa không thể đuổi kịp giá xăng dầu.

Theo tính toán của anh Hưng, giá dầu thô ở mức hơn 26.600 đồng/lít, chi phí xăng dầu đã chiếm đến 50% cấu thành cước vận tải.

“Đúng thời điểm dịch bệnh giảm, sản xuất trở lại bình thường thì chúng tôi lại gặp bão giá xăng dầu. Trong khi đó, vận tải hàng hóa từ đầu năm 2022 đến nay rơi vào tình trạng trầm lắng vì lượng hàng hóa cần vận chuyển giảm mạnh”- anh Hưng chia sẻ.

Vận tải hàng hóa đang méo mặt vì giá xăng dầu

Vận tải hàng hóa đang méo mặt vì giá xăng dầu

Cũng theo anh Hưng, vào sáng nay (16/5), Công ty đã gửi cho một số đối tác bảng kê khai giá cước vận chuyển mới nhưng các doanh nghiệp đều chung một câu kết “giá cao quá, cao thế này thì không chuyển được”.

“Hiện, chúng tôi lại đang phải tính toán, cân đối lại mọi thứ để làm sao hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đảm bảo ở mức tối thiểu”- anh Hưng cho hay, đồng thời bổ sung, nếu cứ áp cước vận chuyển như hiện nay, doanh nghiệp phải cắt giảm nhiều thứ để cố duy trì và nếu chạy khéo, không phát sinh vấn đề gì bất thường thì có thể hòa vốn. Trường hợp phương tiện nổ lốp hay hư hỏng phải sửa chữa, chúng tôi sẽ lỗ vốn. Vì thế, nếu không tính toán kỹ thì không chạy tiếp được”- anh Hưng chia sẻ.

Xăng dầu leo lên mức giá kỷ lục, vận tải chưa kịp phục hồi đã gục ngã ảnh 2 Xăng dầu leo lên mức giá kỷ lục, vận tải chưa kịp phục hồi đã gục ngã ảnh 3

Giá cước taxi công nghệ tại Hà Nội cũng đã âm thầm leo lên mức cao ngất ngưởng

Tính toán của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho thấy, tùy theo quy mô đội xe, các doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí nhiên liệu hàng từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Vận tải hàng hóa rục rịch tính tăng cước

Để bù đắp chi phí đội lên quá lớn này, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều phải tính toán phương án tăng cước phí ở một mức độ vừa phải.

Tại Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vinatrans) với quy mô 200 đầu xe chuyển phát bưu chính, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, dự tính sẽ tăng cước vận chuyển thêm 5-7% so với hiện nay.

Theo phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, giá nhiên liệu dầu trong năm 2022 ước tính khoảng 12.000 - 16.000 đồng/lít. Thế nhưng, sau đợt điều chỉnh chiều 11/5 vừa qua, giá dầu đã lên mức 26.740 đồng/lít, tăng 10.000 - 12.000 đồng/lít so với tính toán ban đầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, khoảng 35 - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng, chưa kể phí BOT và nhiều loại thuế phí khác. Trong khi hợp đồng vận tải thường tính theo tháng, quý, thậm chí theo năm, căn cứ vào giá nhiên liệu ước đoán đầu năm.

Vì vậy, khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày càng ngắn, các doanh nghiệp vận tải càng bị động trong việc cân đối chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn càng lỗ nặng.

Lái xe tính bỏ nghề, taxi công nghệ âm thầm đẩy cước

Vận tải khách còn bi thảm hơn bởi đến nay vẫn chưa thể phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lượng xe xuất bến mỗi ngày tại các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình chỉ đạt 40% vào ngày thường; đạt 70% vào cuối tuần. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn lựa chọn “túc tắc hoạt động” bởi “giữ nguyên giá vé còn không có khách, nếu tăng nữa thì chở gió”.

Các ứng dụng taxi công nghệ như Grab, be hay Gojek cũng đã âm thầm tăng mức cước lên khá cao. Cùng một quãng đường di chuyển hơn 3km, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022, giá cước các hãng dao động ở 50.000-60.000 đồng/cuốc, tùy thuộc vào từng khung giờ thì nay đã lên mức 70.000 đến gần 80.000 đồng/cuốc.

Cụ thể như, vào khoảng 15h chiều 16/5, cùng 1 quãng đường di chuyển từ 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm đến 17 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa (quãng đường được báo trên các ứng dụng là 3,28km) được Grab báo với mức thấp nhất là 68.000 đồng, còn ứng dụng be báo 78.000 đồng và Gojek báo giá 72.000 đồng.

Đáng nói, đại diện các ứng dụng đều cho biết, chưa có động thái tăng giá cước trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, đại diện các hãng taxi truyền thống cho hay, chưa có ý định tăng giá cước trong thời điểm hiện tại, bởi lượng khách đi xe hiện tại rất vắng.

Anh Nguyễn Văn Dưỡng, lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, lượng khách đi lại rất ít, trong khi giá xăng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào đắt đỏ. “Các hãng taxi phần lớn đã khoán cho lái xe nên chạy vất vả lắm. Tôi đang tính đến việc chuyển nghề khác”- anh Dưỡng chia sẻ.