Giá xăng tăng gần 6% trong tháng 5 làm tăng giá nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với 3 lần tăng giá xăng trong tháng 5 này, giá xăng đã nhích lên tổng cộng 5,93%, giá dầu tăng diezel tăng thêm 3,99%. Nhiều nhóm hàng hóa khác cũng tăng giá do chi phí vận chuyển tăng như trên.
Giá trứng gia cầm tại siêu thị khá ổn định

Giá trứng gia cầm tại siêu thị khá ổn định

Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2022. Theo đó, CPI tháng này tăng 2,86% với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân đến từ giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên theo giá thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng do ảnh hưởng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Cụ thể, trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào các ngày 4-5, 11-5 và 23-5 tăng tổng cộng lần lượt 5,93% và 3,99% khiến CPI của nhóm giao thông có mức bật cao nhất với 2,34%. Điều này tác động đáng kể đến CPI nói chung.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, nhóm giao thông tháng 5 tăng cao nhất với 18,42%, làm CPI chung tăng 1,78 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 54,48% do giá xăng A95 tăng 11.120đồng/lít; xăng E5 tăng 11.210đồng/lít và dầu diezel tăng 10.780 đồng/lít.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhiều nhóm hàng hóa khác cũng tăng do giá xăng và thiếu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5-2022 tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Trong đó, với nhóm lương thực, giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như: giá mỳ sợi, mỳ, phở tăng 0,85% so với tháng trước; bột mì tăng 0,8%; bánh mì tăng 0,53%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,33%; miến tăng 0,32%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,31%.

Với nhóm hàng thực phẩm, giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,03% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 1,12%; thịt gia cầm khác tăng 0,69%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 2,16%. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 0,9% so với tháng trước.

Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,18% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng, trong đó giá cá tăng 0,13%; giá tôm tăng 0,24%; giá thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,25%. Theo đó, giá thủy sản chế biến tháng 5 tăng 0,24% so với tháng 4.

Giá thịt lợn tăng 0,02% so với tháng trước, tính đến ngày 24-5, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 54.000-60.000 đồng/kg, tác động làm thịt chế biến tăng 0,3% so với tháng trước,trong đó thịt quay, giò chả tăng 0,31%; thịt hộp tăng 0,25%; thịt chế biến khác tăng 0,24%.

Giá dầu mỡ ăn và chế biến tăng 1,47%so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu sản xuất dầu cọ tăng cao. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,8% so với tháng trước; đường, mật tăng 0,27%; sữa, bơ, pho mát tăng 0,33%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,47%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,16% do giá vận chuyển tăng.

Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng giá trong tháng 5 thêm 0,4% so với tháng trước do giá xăng dầu cùng với giá nguyên liệu chế biến ở mức cao, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch đã bắt đầu khởi sắc.

Nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tháng 5 cũng tăng 0,33% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng, cụ thể: Giá nước giải khát có ga tăng 0,2%so với tháng trước; nước quả ép tăng 0,1%; rượu bia tăng 0,45% và thuốc hút tăng 0,28%.

So với cùng kỳ năm trước, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,98% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bữa cơm gia đình cũng tăng giá theo

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng này, nhóm lương thực đã tăng giá 0,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,25%. Gạo tẻ ngon tăng 0,35%; gạo tẻ thường tăng 0,25%. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.

Tại các chợ, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.900-13.600 đồng/kg (tăng từ 100-200 đồng/kg so với tháng trước); giá gạo Bắc Hương từ 17.900-20.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.900-20.300 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.400-35.100 đồng/kg.

Giá thịt lợn và các loại thủy sản tăng giá nhẹ. Tương tự, giá rau xanh cũng tăng khá cao do thời tiết mưa lớn liên tiếp, làm hỏng nhiều loại rau xanh. Cụ thể, rau muống 12.000-15.000 đồng/mớ, cải mơ non 15.000 đồng/mớ, dưa chuột 20.000 đồng/kg, rau dền 9.000 đồng/mớ. Đặc biệt, rau gia vị như: hành, thì là… rất đắt.

Giá trứng gia cầm tại chợ cũng tăng mạnh trong những ngày qua. Trứng gà ta từ khoảng 3.300-3.500 đồng/quả lên 4.000-4.500 đồng/quả. Trứng gà ta chọn được bán tới hơn 7.000 đồng/quả, cao hơn trước khoảng 1.000 đồng/quả.

Tại các siêu thị, giá trứng có phần ổn định hơn. Trứng gà CP dao động 26.000 đồng/10 quả đến 28.000 đồng/10 quả.

Nhiều người chăn nuôi cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng cao trong thời gian qua. Ngô và thóc cho gà, vịt khoảng 11.000-12.000 đồng/kg, chưa kể các loại cám cũng tăng giá. Do đó, mức tăng giá trứng gia cầm như trên dù cao nhưng vẫn chưa đủ bù lỗ, nhiều người bỏ chuồng không chăn nuôi. Đặc biệt, thời điểm hiện tại khác với gần 1 năm trước khi trứng gia cầm khan hiếm trên cả nước do các địa phương phong tỏa phòng dịch Covid-19, giá trứng cao tác động khiến sức mua mặt hàng này khá thấp. Người tiêu dùng hiện có nhiều lựa chọn cho bữa ăn hơn trước đây.

Với mặt hàng dầu ăn, các siêu thị đang khuyến mại cho khách hàng nhưng ghi nhận cho thấy, giá bán vẫn đứng ở mức cao. Các nhóm hàng thường có mặt trong bữa cơm gia đình hằng ngày đều tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhiều nhóm hàng hoá trong tháng đi lên là lý do khiến CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức này lại thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Còn lạm phát cơ bản tăng 1,1%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Việc này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.