Xã hội hóa trá hình

ANTĐ - Trong mô hình xã hội hóa, dịch vụ y tế có lẽ nở rộ nhất, phong phú nhất và cũng nhiều chuyện đáng bàn nhất. Một số chuyên gia cho rằng, xã hội hóa y tế chỉ nên coi là giai đoạn nhất thời, tiến tới cơ chế tách bạch để bệnh nhân không bị phân biệt đối xử ngay trong bệnh viện công. Tình trạng liên doanh, liên kết bằng cách góp vốn mua sắm trang thiết bị y tế phần lớn là nhằm mục đích kiếm lợi nhuận dễ dẫn đến lạm dụng, tăng chi phí cho người bệnh.

Mặt tích cực của xã hội hóa y tế góp phần đáng kể giảm sự quá tải bệnh viện và tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Song, mặt trái xã hội hóa cũng bộc lộ trong những dịch vụ dễ bị lạm dụng phổ biến như xét nghiệm, chụp Xquang, cộng hưởng từ, kê đơn thuốc “vô tội vạ”. Nói ngắn gọn là tìm mọi cách để tăng chi phí cho người bệnh, rút tiền của người dân bù đắp cho nguồn vốn đầu tư. Một trong những sai phạm nghiêm trọng và điển hình nhất có nguồn gốc từ xã hội hóa y tế là vụ “nhân bản” mẫu máu xét nghiệm của hàng nghìn người bệnh tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức.

Vụ việc gây chấn động ngành y tế lại do chính những người trong cuộc dũng cảm tố cáo, trong khi tình trạng ở hầu hết các bệnh viện công, không thấy thanh tra y tế “phát hiện”, người bệnh phải trải qua quá nhiều dịch vụ cận lâm sàng không cần thiết, phổ biến là xét nghiệm máu, sinh hóa, chụp tim phổi, siêu âm… Các xét nghiệm, chiếu chụp đó đều được thực hiện tại các khoa mà trang thiết bị hiện đại mua sắm từ tiền xã hội hóa.

Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (bảo hiểm xã hội) công nhận, nhiều bệnh viện, cơ quan BHYT không thể kiểm soát hết được mức giá dịch vụ thực hiện từ các thiết bị xã hội hóa, dẫn đến giá dịch vụ tăng vọt, người bệnh bị mang ra “thí nghiệm” vô tội vạ. Kết quả kiểm tra tại 7 địa phương áp dụng giá viện phí mới cho thấy, nhiều bệnh viện tăng chi phí xét nghiệm chiếm tới 30-40% tổng chi phí khám chữa bệnh, trước đó chỉ là 20-25%. Chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục là cần thiết và đúng đắn. Trong khi kinh phí Nhà nước cấp hàng năm cho bệnh viện chỉ bằng 2% chi phí hoạt động, “bầu sữa” ngân sách không đủ nuôi bệnh viện cho nên Chính phủ trao quyền tự chủ tài chính cho bệnh viện. Mô hình xã hội hóa y tế là lối thoát khả dĩ. Song một lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo, nếu không quản lý chặt, xã hội hóa sẽ biến thành dịch vụ tư trong bệnh viện công. Khám chữa bệnh theo yêu cầu rất dễ trở thành “sân sau” của bệnh viện công, tức là dùng cơ sở vật chất và nhân lực cho dịch vụ tư lợi. 

Xã hội hóa y tế tại một số nơi đang bị trá hình, biến tướng dưới vỏ bọc tư trong công. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng bệnh viện công để trục lợi bằng cách chi hoa hồng cho môi giới, lạm dụng xét nghiệm, tăng giá dịch vụ, móc túi người bệnh.