Xá cày ngày xuân

(ANTĐ) - Sau gần 100 năm, sự kiện cày ruộng khai xuân được phục dựng trở lại ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đây là sự kiện văn hóa lịch sử đầy ý nghĩa đối với vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) trong thời kinh tế hội nhập.

Xá cày ngày xuân

(ANTĐ) - Sau gần 100 năm, sự kiện cày ruộng khai xuân được phục dựng trở lại ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đây là sự kiện văn hóa lịch sử đầy ý nghĩa đối với vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) trong thời kinh tế hội nhập.

Không khí xuân còn đang rộn ràng tràn ngập ở các vùng quê. Đặc biệt riêng bà con ở Duy Tiên, Hà Nam năm nay được nhân niềm vui lên gấp bội bởi nơi đây được chọn làm nơi diễn ra lễ “Tịch điền”. Đây là nghi lễ đặc biệt đối với người nông dân. Được ra đời từ mùa xuân năm Đinh Hợi (987), niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành, trong sách Việt sử lược đã chép việc vua Lê Đại Hành đã về tịch điền - mở đầu cho việc “động thổ” nông nghiệp cả nước trong một năm mới. Các triều đại sau đó, đều duy trì nghi lễ này với các hình thức khác nhau. Lễ tịch điền của nhà vua đã chấm dứt dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn, đến nay đã gần 100 năm.

“Lễ hội Tịch điền được tổ chức đã tạo thêm khí thế thi đua lao động sản xuất vào dịp đầu xuân, khởi đầu cho một mùa màng bội thu, no ấm. Đây là một việc làm hữu ích phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lễ hội cũng tạo ra một diễn trường tưng bừng, sôi nổi chào mừng lần thứ 79 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân Kỷ Sửu. Lễ hội Tịch điền cũng là lễ hội văn hóa, tâm linh hàm chứa sức sống, sự giàu có của văn hóa Việt Nam, cùng các lễ hội khác được tổ chức vào dịp đầu xuân, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc”.

(Trích phát biểu khai mạc lễ hội của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)

Sáng mùng 7 Tết tức ngày 1-2 năm 2009, tại cánh đồng dưới chân núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên hàng nghìn người đã được sống trong không khí của lễ hội “Tịch điền”. Trước đó nhiều ngày, cùng với việc chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết, người dân Đọi Sơn đã “tuyển chọn” trâu cày thật tốt để phục vụ cho ngày khai lễ.

Một phần không thể thiếu trong ngày lễ “Tịch điền” là phải thửa những chiếc cày khỏe, xá cày lật đều. 35 con trâu khỏe được chọn làm sức kéo cho ngày “động thổ” được các nghệ nhân, họa sĩ “trang điểm” công phu, hết sức lạ mắt. Lão nông Nguyễn Văn Thụy, người được chọn tham gia lễ cày động thổ, cho biết: “Tô điểm cho trâu là để coi đó như chiếc áo mới du xuân ngày hội. Đối với chúng tôi, ngày này là cơ hội để tỏ lòng cảm ơn con vật này”.

Chưa bao giờ trên cánh đồng dưới chân núi Đọi lại đẹp đến như vậy. Những con trâu bỗng hóa thành những bông hoa tô sắc màu cho mùa xuân trên cánh đồng. Đây là tín hiệu vui cho mùa vụ bội thu. Chị Lê Thị ánh ở Đọi Sơn giảng giải tại sao không chỉ có trâu mẹ được “trang điểm” mà còn có cả nghé con: “Tôi cho cả nghé và trâu mẹ ra đồng như vậy là vì xưa kia cho đến hôm nay sự kế thừa và phát triển luôn luôn song hành. Hơn nữa, như thế còn nói lên sức lao động không phân biệt, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn ở bất cứ con người hay con vật như trâu hay bò”. 

Tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành cùng trâu cày bừa trên cánh đồng xã Đọi Sơn tại lễ hội
Tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành cùng trâu cày bừa trên cánh đồng xã Đọi Sơn tại lễ hội

Ngày hội của hôm nay không chỉ như một lễ hội khai xuân đối với những người làm nông nghiệp mà còn có ý nghĩa sâu sắc cũng như việc làm cụ thể, thiết thực khơi dậy vấn đề tam nông hiện nay. Lễ hội “Tịch điền” đã làm những người nông dân vui và coi đó như một động lực tiếp tục phát triển nông nghiệp. Bà Trần Thị Vân, ở Hòa Mạc, Duy Tiên bộc bạch: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được chứng kiến lễ hội cày ruộng khai xuân. Tôi mong ngày lễ như vậy sẽ được tổ chức mãi mãi ở những mùa xuân sau để bà con chúng tôi vui hơn sau những ngày lao động vất vả trên đồng ruộng”.

Ngày đầu xuân, những xá cày khai xuân lật đều tăm tắp còn dẻo quánh đất nâu màu mỡ. Những xá cày như vậy được cho là thợ cày giỏi cũng như tin vui báo hiệu cho năm mới mùa màng bội thu. Thợ cày giỏi mà có trâu tốt thì cái nghèo sẽ biến mất. Ai cũng nghĩ như vậy và còn là niềm mong ước không của riêng cá nhân nào. Tương truyền vào năm 987, khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày đã đào được một hũ vàng.

Năm 988, vua cày ở Bàn Hải lại được một hũ bạc, vì vậy hai thửa ruộng được đặt tên “kim ngân điền”. Sau đó đến thời Lý - Trần, các lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa xuân. Vào thời Lý, vua Lý Thái Tông là người rất chăm lo cho nông nghiệp nước nhà. Ông đã nhiều lần tự mình xuống cày. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống ruộng để cày những xá đầu xuân làm nức lòng nhân dân.

Lễ hội “Tịch điền” được phục dựng không chỉ dừng lại ở giá trị lễ hội văn hóa. Đó còn như ngụ ý nhằm thúc đẩy các hoạt động khuyến nông. Bên cạnh đó còn là giá trị văn hóa cổ truyền thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Việc phục hồi nghi lễ này có mục đích tôn vinh các bậc tiền nhân, vừa có ý nghĩa phù hợp với chính sách chủ trương của Nhà nước hiện nay đặt vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) lên hàng đầu.

Đức Tuấn - Việt Anh