WHO đánh giá cao công tác ứng phó dịch Ebola của Việt Nam

ANTĐ - Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Ebola sáng 12-8, đại diện Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, dịch Ebola nguy hiểm không kém dịch HIV hay SARS trước đây. Tuy nhiên, khả năng dịch này xâm nhập vào Việt Nam là không cao và người dân không nên  quá lo lắng.

Khai báo y tế phòng bệnh tại cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài

Nguy cơ dịch xâm nhập thấp

Cung cấp thông tin về tình hình dịch Ebola trên thế giới và đường lây của dịch bệnh này, ông Masaya Kato, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, hiện vẫn chỉ có 4 nước ở Tây Phi có bệnh nhân mắc Ebola, với số mắc và tử vong gia tăng nhanh theo từng ngày. Đường lây truyền của Ebola theo 2 cách: tiếp xúc trực tiếp với người hay động vật bị nhiễm virus; hoặc tiếp xúc với các vật lây truyền như đồ vật, đồ dùng, giường chiếu có dịch xét nghiệm, nước tiểu, dịch tiết nước mắt của người bệnh Ebola. Hiện nay, bệnh do virus Ebola chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ, bù nước điện giải, điều trị triệu chứng. Thế giới cũng đang tập trung nghiên cứu vaccine phòng bệnh nhưng chưa biết chính xác khi nào mới có.

Dù là dịch bệnh nguy hiểm nhưng theo ông Masaya Kato, người dân Việt Nam không nên quá lo lắng bởi nguy cơ Ebola xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp. Đại diện của WHO tại Việt Nam chỉ ra 2 lý do làm cơ sở cho nhận định trên. Trong đó, ngoài nguyên nhân bệnh Ebola chỉ lây qua đường tiếp xúc với người mắc bệnh thì nguyên nhân quan trọng hơn đến từ chính phía Việt Nam. Cụ thể, WHO đánh giá rất cao Việt Nam trong công tác chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch Ebola với sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Việt Nam cũng từng có nhiều kinh nghiệm phòng chống, ngăn ngừa, khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới.

Tuy vậy, về phía ngành y tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể và không được phép chủ quan. Đặc biệt khi đây là dịch bệnh mới, virus có thể có nhiều biến đổi khó lường. Điều lo ngại hơn là nếu dịch xâm nhập và trở thành bệnh lưu hành, giống như dịch tay chân miệng xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2001 và lưu hành đến nay thì mức độ nguy hiểm vô cùng lớn. 

Nguy hiểm không kém HIV, SARS

Trả lời câu hỏi của PV Báo ANTĐ về việc so sánh mức độ nguy hiểm của dịch Ebola với dịch bệnh SARS và HIV, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, đây đều là các dịch bệnh hết sức nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, song cơ chế đường lây, sức tàn phá khác nhau. Trong đó, bệnh HIV có cách thức lây truyền khá giống với bệnh do virus Ebola, chỉ khác là tốc độ, sức phá hoại của virus Ebola nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Ebola cũng dễ lây hơn bởi có thể lây truyền bệnh qua cả dụng cụ, thiết bị y tế, dịch mủ, nước mắt của người mắc bệnh. Dù vậy, tại Việt Nam, các bệnh viện vẫn đang điều trị bệnh HIV, tức là đã có kinh nghiệm phòng ngừa chuẩn với các bệnh lây theo con đường này.  

Với dịch SARS, đường lây bệnh có khác biệt so với Ebola bởi đây là dịch bệnh lây qua đường hô hấp, sức lây lan rất mạnh và biện pháp phòng chống cũng khác. Trả lời tiếp câu hỏi của phóng viên ANTĐ về việc nếu dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam, liệu nước ta có khống chế được sớm nhờ kinh nghiệm đã khống chế thành công dịch SARS năm 2003? Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, tuy Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, song với dịch Ebola vẫn rất đáng lo ngại bởi đây là dịch bệnh mới. “Hơn nữa, dù chúng tôi tin tưởng có đủ khả năng xét nghiệm, chẩn đoán sớm bệnh và cũng đã có biện pháp chủ động đối phó với dịch khi xuất hiện ca bệnh, tuy nhiên hiện Việt Nam chưa có ca bệnh nào nên khó nói trước được điều gì” – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh Ebola. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại. Bệnh nhân mắc Ebola trở thành nguồn lây bệnh ngay sau khi họ bắt đầu có triệu chứng nhưng trong thời gian ủ bệnh thì chưa có khả năng lây lan. Virus Ebola có thể lưu hành trong môi trường 1 tuần nhưng lại dễ bị tiêu diệt với mọi loại hoá chất diệt khuẩn thông thường.