- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận Huân chương Jose Marti
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Anh hùng dân tộc Jose Marti
- Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Cuba diễn ra trọng thể
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu bật thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam khi phát biểu tại Đại học Colombia |
Không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa
Báo cáo thường niên về Chỉ số Quyền lực châu Á (Asia Power Index) 2024 do Viện nghiên cứu Lowy của Australia vừa công bố cho biết, Việt Nam đứng thứ 12 trong tổng số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong khu vực. Theo đó, sức mạnh tổng thể của Việt Nam năm nay đã tăng 1,2% so với năm 2023, tạo ảnh hưởng trong khu vực nhiều hơn so với dự kiến. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, Trưởng dự án Chỉ số Quyền lực châu Á Susannah Patton cho biết, bảng xếp hạng của Viện này nhằm so sánh sức mạnh toàn diện của các quốc gia dựa trên một loạt yếu tố như mức độ tự cường và sự ảnh hưởng, cách thức sử dụng sức mạnh, tài nguyên... Thước đo Chỉ số Quyền lực châu Á được xây dựng dựa trên 8 tiêu chí: năng lực kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai, quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa.
Theo Viện nghiên cứu Lowy, nằm trong nhóm quốc gia hạng trung và sự cải thiện lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 là sức ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy cho rằng, Việt Nam đạt kết quả tốt nhất về ảnh hưởng ngoại giao vì là một trong những nước hoạt động ngoại giao tích cực nhất ở khu vực trong năm qua. Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và Đối tác Chiến lược với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 quốc gia Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ hợp tác với 224 thị trường tại tất cả các châu lục trên thế giới. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính...
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác là những cường quốc toàn cầu. Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước. Mới đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên tham dự Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ.
Nâng cấp, nâng tầm quan hệ hợp tác, đối tác là nội dung quan trọng hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua với các quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các nhà lãnh đạo chủ chốt của nước ta đã tiến hành hơn 190 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng, trong đó có hơn 50 chuyến thăm và chủ trì đón hơn 50 đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam và hơn 90 hoạt động đối ngoại trực tiếp, trực tuyến khác. Giới chuyên gia vì thế kỳ vọng về kỷ nguyên mới của Việt Nam trong quan hệ hợp tác, phát triển bền vững vì những lợi ích lớn hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. “Điều này phản ánh chiến lược ngoại giao với nhiều đối tác của Việt Nam” - Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, Trưởng dự án Chỉ số Quyền lực châu Á nhận định.
Làm hết sức mình để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc
Ngoài lĩnh vực ngoại giao, Báo cáo thường niên về Chỉ số Quyền lực châu Á nhấn mạnh tới việc Việt Nam đã cải thiện điểm số về quan hệ kinh tế, đang trở thành quốc gia có nền kinh tế kết nối, có thể liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có mức độ tham gia kinh tế với Mỹ và Trung Quốc cân bằng hơn.
Việt Nam với những nỗ lực liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao cũng như là một nền kinh tế có độ mở cao ở khu vực và thế giới, có sức mạnh kinh tế tăng trưởng nhanh. Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,7 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 35 trên thế giới. Trong năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực; nếu xét trên toàn thế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34.
Đáng chú ý, các chuyên gia IMF dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 684 tỷ USD, Việt Nam sẽ vượt qua Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và lớn thứ 31 trên thế giới. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), năm 2024, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 462 tỷ USD, kinh tế Việt Nam dự kiến ở vị trí 33 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT), tăng 1 bậc so với báo cáo năm 2023.
Báo cáo của CEBR đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Theo đó, CEBR dự báo, đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. CERB cho rằng, Việt Nam là minh chứng nổi bật cho nhóm những quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách nội bộ, tăng năng suất lao động, đầu tư công và tư. Sức mạnh kinh tế Việt Nam đang trỗi dậy mạnh. Với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gần các thị trường lớn ở châu Á, với khả năng tiếp cận các tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng, Việt Nam trở thành trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng. Không chỉ riêng vị trí địa lý mà Việt Nam còn nhiều điều khác xứng đáng để đầu tư kinh doanh, kết nối kinh tế.
Việt Nam là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng với số dân 100 triệu người và đặc biệt hiện đang ở trong giai đoạn “dân số vàng” với dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Cùng với lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động của Việt Nam được xem là một yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư. Một điều rất quan trọng, đó là sự ổn định về mặt chính trị, xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam không ngừng thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch.
Có thể khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ và tham dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 vào tháng 9 vừa qua đã nêu bật thông điệp quan trọng về con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam khi phát biểu tại Đại học Colombia, trường đại học danh giá hàng đầu của Mỹ và thế giới với bề dày 270 năm lịch sử. Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Nhìn lại chặng đường mà dân tộc Việt Nam đã đi qua, hơn bao giờ hết, chúng ta vững tâm, vững tin và vững bước tiến về phía trước. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hiện thực hóa khát vọng đó của dân tộc”.