Vung tiền Nhà nước như tiền "chùa" tiếp khách, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận "quả đắng"

ANTD.VN - Liên quan tới hành vi tham ô tài sản tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex, Cơ quan ANĐT CATP Hà Nội đã làm rõ hành vi của đồng phạm tội danh tham ô của bà Phạm Thị Minh Phương, nguyên Trưởng phòng Kế toán, Nhà máy Dệt kim Haprosimex.

Bà Phạm Thị Minh Phương làm việc tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex từ tháng 2-2008 đến ngày 31-3-2016, năm 2010 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kế toán.

Là người có nghiệp vụ kế toán, hiểu rõ các quy định của Luật Kế toán, Phạm Thị Minh Phương nhận thức được việc ghi tăng công nợ 600 triệu đồng cho Nguyễn Hồng Vân và giảm công nợ tiền lãi tương ứng cho Đào Thanh Lê cũng như xác lập các chứng từ khống kèm theo là trái quy định của nghiệp vụ kế toán dẫn đến phát sinh tiền lãi Nhà máy Dệt kim Haprosimex phải trả cho khoản vay không có thực.

Ngày 27-4-2015, Phạm Thị Minh Phương là người trực tiếp tính toán và hạch toán số tiền lãi gần 234 triệu đồng phát sinh phải trả đối với khoản vay khống mang tên Nguyễn Hồng Vân và trực tiếp xác lập phiếu chi số 106 (ngày 27-4-2015) số tiền hơn 260 triệu đồng hạch toán trả lãi vay cho Nguyễn Hồng Vân, chỉ đạo chị Nguyễn Mai Anh, là thủ quỹ nhà máy chi số tiền này cho ông Nguyễn Cự Tẩm sử dụng.

Hành vi của Phạm Thị Minh Phương được Cơ quan ANĐT xác định là đồng phạm với ông Nguyễn Cự Tẩm về tội "Tham ô tài sản" với vai trò  giúp sức, do đó ngày 17-1-2018 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với người phụ nữ này để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trưởng phòng kế toán Phạm Thị Minh Phương

Không chỉ tham ô số tiền lãi từ khoản vay khống, ông Nguyễn Cự Tẩm còn chỉ đạo anh Đặng Văn Huân, là Trưởng phòng Hành chính của Nhà máy Dệt kim Haprosimex chi tổng cộng 156 triệu đồng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11-2015 mà không cần bất cứ một phiếu chi nào. Những lần chi tiền cho ông Tẩm, anh Huân chỉ ghi lại trong sổ để theo dõi và toàn bộ số tiền này, ông Tẩm chỉ cho biết mình dùng để tiếp khách.

Ngày 27-2-2017, khi biết mình bị cơ quan công an điều tra, ông Nguyễn Cự Tẩm đã chỉ đạo Phạm Thị Minh Phương, Nguyễn Mai Anh hoàn thiện chứng từ cho các khoản tạm ứng trước đó, trước sự chứng kiến của anh Đặng Văn Huân và Đỗ Bá Khanh, Phó trưởng phòng hành chính. Trong các chứng từ hoàn thiện có điều chỉnh lại việc hạch toán khoản vay 600 triệu đồng khống và số tiền 156 triệu đồng anh Đặng Văn Huân đưa cũng đã được ông Tẩm chỉ đạo lập 13 giấy đề nghị thanh toán với nội dung “thanh toán tiền tiếp khách cho giám đốc”. Phạm Thị Minh Phương đã hạch toán thẳng vào tài khoản chi phí khác. Tuy nhiên khoản chi này không có căn cứ và bản thân ông Tẩm cũng không giải trình được.

Quá trình điều tra, bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ, ngoài 2 tội danh đã bị khởi tố, ông Nguyễn Cự Tẩm còn thực hiện 6 hành vi có dấu hiệu sai phạm như sử dụng trái mục đích số tiền 8 tỷ đồng tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là số tiền mà Công ty Dệt kim Thăng Long được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để giải phóng mặt bằng cho các hộ dân để xây dựng khu xử lý nước thải.

Do chưa sử dụng nên ông Nguyễn Cự Tẩm đã đề nghị Công ty Dệt kim Thăng Long chuyển cho Công ty Haprosimex mượn, cam kết khi nào có nhu cầu sử dụng sẽ chuyển trả ngay. Sau khi nhận được tiền, ông Tẩm đã trả 7,8 tỷ đồng cho Ngân hàng Quân đội, chỉ đưa 200 triệu về cho Công ty Haprosimex.

Ngoài ra còn có số tiền 5,9 tỷ đồng được ông Nguyễn Cự Tẩm chỉ đạo kế toán, thủ quỹ công ty rút từ số tiền bán phần vốn Nhà nước tại Công ty Thăng Long để chi dùng cho Công ty Haprosimex và Nhà máy Dệt kim Haprosimex. Từ năm 2016, UBND - TP Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu Công ty Haprosimex hoàn trả số tiền nói trên, nhưng đến nay công ty không có khả năng chi trả.

Sai phạm khác của ông Tẩm là đã nhiều lần yêu cầu nhân viên tạm ứng để sử dụng với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn ứng. Theo lời khai các nhân viên đã tạm ứng tiền đưa cho ông Tẩm thì các chi phí này không biết ông Tẩm sử dụng vào việc gì, nhưng chắc chắn không được sử dụng vào chi phí hoạt động của công ty.

Ông Tẩm khai nhận sử dụng tiền để ngoại giao phục vụ cho Công ty Haprosimex nhưng không trình bày được cụ thể, không có chứng từ, không có khả năng thanh toán hoàn ứng. Ông Tẩm tự nhận sẽ có trách nhiệm hoàn trả số tiền này, nhưng trên thực tế vẫn chưa hoàn trả đồng nào.

Các sai phạm còn lại như không nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong đó có số tiền hơn 2 tỷ đồng được khấu trừ vào lương; sử dụng tiền tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex không lập chứng từ... hiện đang được Cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội tiếp tục làm rõ.