Vay tiền nhập quỹ công ty, tiền không vào tài khoản

ANTD.VN - Như tin ANTĐ đã đưa, Cơ quan ANĐT CATP Hà Nội đã khởi tố bị can Nguyễn Cự Tẩm, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Haprosimex, kiêm Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Haprosimex - Nhà máy Dệt kim Haprosimex về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Tham ô tài sản".

Cùng với việc yêu cầu công ty con trả phụ cấp cho mình sai quy định, ông Nguyễn Cự Tẩm còn có hành vi tham ô gần 234 triệu đồng, là tiền lãi vay thông qua việc hạch toán khoản vay 600 triệu đồng khống.

Tài liệu điều tra cho thấy, năm 2012, Nhà máy Dệt kim Haprosimex khó khăn về tài chính, nên ông Nguyễn Cự Tẩm đề nghị các cán bộ chủ chốt nhà máy nếu có tiền thì cho nhà máy vay hoặc vay hộ. Từ năm 2012 đến năm 2016, Nhà máy Dệt kim Haprosimex có hạch toán khoản vay ngắn hạn đứng tên các cá nhân, công ty khác nhau do các cá nhân huy động tiền vay.

Trong đó có 3 khoản vay đứng tên Nguyễn Hồng Vân, Đào Thanh Lê, Trần Bích Huệ, là tiền do ông Nguyễn Cự Tẩm nhập quỹ tiền mặt nhà máy và hạch toán khoản vay đứng tên 3 cá nhân này. Song trên thực tế cả 3 người đều không hề có tiền cho nhà máy vay, chỉ có Trần Bích Huệ không trực tiếp cho nhà máy vay mà thông qua ông Nguyễn Cự Tẩm. Khoản vay đứng tên Đào Thanh Lê tính đến ngày 9-9-2013, tổng số tiền gốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex hạch toán vay là 1 tỷ 190 triệu đồng, đã trả 340 triệu đồng, tính đến 31-12-2013, số tiền lãi vay phát sinh hạch toán trên sổ sách là 317,8 triệu đồng.

Là lãnh đạo một công ty và nhà máy làm ăn thua lỗ, ông Nguyễn Cự Tẩm vẫn tìm mọi cách rút ruột tiền Nhà nước thông qua các khoản vay khống

Thời điểm ngày 24-6-2014, ông Nguyễn Cự Tẩm chỉ đạo Phạm Thị Minh Phương, nguyên Trưởng phòng kế toán Nhà máy Dệt kim Haprosimex hạch toán ghi tăng công nợ cho khách hàng Nguyễn Hồng Vân bằng khoản vay số tiền 600 triệu đồng. Ngày 1-7-2014, số tiền này đã được trả lãi cho Đào Thanh Lê trong đó hạch toán 317,8 triệu đồng trừ vào tiền lãi phát sinh; 282,2 triệu đồng chi lãi phát sinh chưa hạch toán.

2 bút toán này không làm thay đổi số tiền trên sổ quỹ tiền mặt của nhà máy, không có tiền lưu chuyển qua quỹ tiền mặt của nhà máy và được xác lập bằng 2 chứng từ khống có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Cự Tẩm, Phạm Thị Minh Phương và Đinh Trọng Đức. Đó là phiếu thu số 60, ngày 24-6-2014 với nội dung thu 600 triệu đồng vay Nguyễn Hồng Vân và phiếu chi số 248 ngày 1-7-2014 có nội dung chi trả tiền lãi cho Đào Thanh Lê.

Sau khi thực hiện, các bút toán trên đã được hạch toán, ghi nhận trên hệ thống sổ sách đã tăng khoản nợ của Nguyễn Hồng Vân trên tài khoản vay ngắn hạn. Đồng thời, hệ thống tính giảm khoản vay phải trả đối với Đào Thanh Lê trên tài khoản 3351 (chi phí lãi vay phải trả). Thể hiện trên sổ đối chiếu công nợ khách hàng Nguyễn Hồng Vân có chữ ký của ông Nguyễn Cự Tẩm, trên báo cáo tài chính năm 2014, 6 tháng đầu năm 2015 và trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1-7-2015.

Tuy các bút toán nêu trên không làm thay đổi số tiền trên sổ quỹ, nhưng phát sinh khoản vay mới dẫn đến phải trả lãi. Tính đến ngày 27-4-2015, sau khi hạch toán khoản vay 600 triệu đồng khống, khoản vay đứng tên Đào Thanh Lê đã phát sinh các khoản lãi vay Nhà máy Dệt kim Haprosimex phải trả. Ngày 27-4-2015, ông Nguyễn Cự Tẩm đã nhận hơn 260 triệu tiền lãi vay của 2 khoản vay, trong đó có khoản vay đứng tên Nguyễn Hồng Vân.

Căn cứ kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Cự Tẩm có hành vi tham ô tài sản số tiền 233.861.000 đồng, che giấu bằng việc nhận tiền lãi khoản vay 600 triệu đồng của Nguyễn Hồng Vân.