Vui với U19 Việt Nam, đừng quên cảm ơn U19 Nhật Bản

ANTĐ - Nếu đội bóng đến từ xứ sở Mặt trời mọc không đá hết mình, có lẽ, U19 Việt Nam đã không biết được mình đang ở đâu. Và cũng từ U19 Nhật Bản, bóng đá Việt Nam học hỏi được nhiều điều.

1. Chứng kiến U19 Nhật Bản đá thiên về phòng ngự ở hiệp 1 trận chung kết với U19 Việt Nam, một số phóng viên đã nửa đùa nửa thật: "Có khi nào họ chơi chùng để "nhường" cúp cho chủ nhà trong trận đấu vô thưởng vô phạt với thầy trò HLv Suzuki nhưng lại cực kỳ ý nghĩa với bóng đá Việt Nam?". Chỉ khi Genta sút tung lưới Văn Trường giúp U19 Nhật Bản đăng quang, mọi nghi ngờ mới tan biến.

Cần phải thừa nhận rằng, khi đã ở đẳng cấp nhất nhì châu lục thì chuyện thành tích với U19 Nhật Bản ở giải đấu "vùng trũng" Đông Nam Á không mang nhiều ý nghĩa. Thậm chí, trong tư cách đội bóng khách mời (U19 Nhật Bản được nhận tiền để sang Việt Nam đá giải U19 Đông Nam Á), nếu U19 Nhật Bản có động thái "nhường" chủ nhà U19 Việt Nam cũng là chuyện... bình thường. Thế nhưng, đội bóng trẻ xứ sở Mặt trời mọc đã không làm thế. Họ đã chiến đấu hết mình như những chiến binh samurai, với tất cả lòng tự tôn của mình.

Nhờ đó, U19 Việt Nam biết được mình vẫn còn kém xa Nhật Bản để không bị rơi vào ngộ nhận. Song cũng nhờ đó mà U19 Việt Nam thấy được sự tiến bộ của mình với việc rút ngắn khoảng cách khi thua 2-3 (vòng bảng) và 0-1 (chung kết) trước đội hình có 90% cầu thủ U19 Nhật Bản từng đánh bại U19 Việt Nam tới 7-0 ở giải Tứ hùng hồi tháng 1. Vì thế, cần phải cảm ơn sự hết mình của U19 Nhật Bản và thất bại mà họ "dành tặng" U19 Việt Nam, cho bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam muốn học theo bóng đá Nhật Bản, cần phải học cả đức tính khiêm nhường

2. Người Nhật khiến cả thế giới nể phục khi chỉ bởi tinh thần, ý chí cầu tiến mà còn bởi sự khiêm nhường. Đó cũng là thứ đặc sản không lẫn vào đâu mỗi khi đội bóng này "đem quân đi đánh xứ người".

Đến với giải U19 Đông Nam Á với tư cách khách mời và đến từ nền bóng đá mạnh nhất nhì châu Á, song HLV Suzuki trong mọi lần trả lời truyền thông đều tỏ sự cẩn trọng và tôn trọng đối thủ. Trước khi vào giải, ông Suzuki đánh giá bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với châu lục và U19 Nhật Bản đến với giải nhằm học hỏi, cọ xát cho VCK châu Á - giải đấu mà họ sẽ đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu lục, trong đó có cả các đại diện Đông Nam Á. Cuối vòng bảng, sau khi đánh bại U19 Việt Nam 3-2 bằng đội hình 2, HLV Suzuki vẫn dành lời khen ngợi và đặt U19 Việt Nam vào hàng các đối thủ đáng gờm của U19 Nhật Bản, bất kể ở đấu trường nào đi nữa. Và cho đến sau trận chung kết, U19 Nhật Bản đánh bại U19 Việt Nam để lên ngôi vô địch, HLV Suzuki vẫn giữ cho mình sự khiêm tốn: "Chiến thắng lần này không có nghĩa là chúng tôi sẽ thắng các bạn ở lần gặp sau. Tôi coi U19 Việt Nam như những U19 Hàn Quốc, U19 Trung Quốc - những đối thủ của chúng tôi ở vòng bảng VCK châu Á. Và chúng tôi sẽ phải rất cẩn trọng khi gặp lại các bạn".

Đáng nói hơn, trong khi U19 Việt Nam mới có chút thành tích đã ngay lập tức được báo chí tung hê lên tận mây xanh thì ở Nhật Bản, các tờ báo nước này trong quá trình đưa tin tuyển U19 của mình dự U19 Đông Nam Á đã dùng những lời lẽ rất chừng mực, như một cách để dạy cầu thủ của mình biết khiêm nhường.

Ít ai biết rằng, trước trận chung kết với U19 Việt Nam, U19 Nhật Ban đã có chuyến thăm Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, ông Fukada Hiroshi. Và theo như đăng tải của báo chí Nhật thì ở cuộc gặp này, Đại sứ Fukada Hiroshi đã nhắn nhủ các tuyển thủ của mình rằng: “Để có một thắng lợi khi gặp lại U19 Việt Nam và cũng để lên ngôi vô địch, tôi mong các bạn phải biết tôn trọng đối thủ. Chúng ta muốn có được sự tôn trọng thì chính chúng ta phải biết tôn trọng người khác. Trong trận chung kết tới, các bạn sẽ phải chịu áp lực nhiều trên một sân bóng có 40.000 khán giả luôn hò hét. Trong hoàn cảnh như thế tinh thần Samurai phải được giương cao. Bên cạnh đó là một sự tôn trọng đối thủ”.

Cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang từng kể, nửa thế kỷ trước khi sang đá giao hữu và bị thua ĐT Việt Nam, đại diện ĐT Nhật Bản đã biếu chúng ta một chiếc giày nhỏ bằng thủy tinh, hàm ý rằng bóng đá Nhật Bản so với bóng đá Việt Nam chỉ như một chiếc giày nhỏ so với một chiếc giày lớn. Sau 50 năm, bóng đá Nhật Bản đã trỗi dậy để vươn lên hàng đầu châu Á, bỏ xa bóng đá Việt Nam một khoảng cách xa, thế nhưng ở lần tái ngộ giữa 2 nền bóng đá vừa qua, họ vẫn mang đến sự khiêm nhường đáng nể.

Bóng đá Việt Nam đang coi bóng đá Nhật Bản là hình mẫu để học tập. Và nếu muốn thành công, ngoài những học hỏi chuyên môn, rất cần học họ cả sự khiêm nhường.