Vừa là hoang tưởng vừa là lừa bịp

ANTĐ - Trên các trang mạng trong tuần qua có hai chuyện làm thiên hạ xôn xao, một chuyện làm cho người ta ngán ngẩm, một chuyện làm cho người ta buồn cười. Tuy nhiên nghĩ cho cùng hai chuyện cũng có liên hệ với nhau.

Chuyện thứ nhất là một cái clip nước ngoài, kể chuyện 3 cậu sinh viên ở cùng một phòng. Bỗng nhiên một trong ba cậu nổi cơn điên. Cậu ta phá phách trong phòng, xé quần áo sách vở, thậm chí đập phá cả tivi, cửa kính và tự hành hạ đến đau đớn. Tuy nhiên cả hai cậu còn lại, mặc dù có mặt trong phòng nhưng vẫn đeo tai nghe học bài, cứ như trong phòng không xảy ra việc gì. Cho đến lúc cậu bị điên nằm lả trong phòng, hai cậu còn lại cũng không có bất kỳ phản ứng nào. Câu chuyện làm thiên hạ xôn xao vì sự vô cảm của con người trong một xã hội phát triển. Hàng trăm ý kiến phản hồi đã phẫn nộ về sự vô cảm này. Tuy nhiên, một “anh hùng bàn phím”, người đã quá quen với những trang mạng vớ vẩn đã cười vào sự phẫn nộ ấy. Cậu ta nói: Anh không thấy đây chỉ là một clip câu view để kiếm quảng cáo, anh ạ. Anh không thấy, ngoài ba thằng trong phòng còn có thêm một thằng quay clip nữa là bốn à. Đấy là trò tự hành hạ kiếm tiền, cái trò quá cũ trên Internet thôi. Anh mà đa cảm vậy thì suốt ngày bị mấy trang mạng lừa thôi. Quả là như vậy, trong các trang phản hồi cũng đã có nhiều ý kiến vạch cái mặt diễn của mấy cậu thanh niên này. 

Câu chuyện thứ hai là ở Việt Nam. Trong khi ban soạn thảo đang tập hợp tất cả những đóng góp đứng đắn của đồng bào cả nước để hoàn thiện dự thảo Hiến pháp mới trình Quốc hội thông qua cuối tháng này thì một ông nọ, thay mặt cho một nhóm kia đưa ra một bản đóng góp ý kiến chứa đựng những nội dung không thích hợp với tình hình đất nước, thậm chí đi ngược lại những mục tiêu của đất nước, có thể gây mất ổn định xã hội. Ban soạn thảo và nhiều cơ quan có trách nhiệm đã tiếp nhận bản góp ý kiến này và phân tích cho những người ký tên những điểm bất cập của bản đóng góp ý kiến cũng như giải thích những lý do để không chấp nhận đưa những ý kiến của nhóm này vào dự thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, có vẻ như không thể chấp nhận được sự thua cuộc, ông nọ lên tiếng trên một trang mạng thách thức các báo chí chính thống trong nước tranh luận công khai cùng ông ta. Ngay lập tức một nhúm vài trang mạng thù địch đăng lại và cố biến sự thách thức này như là “sự thách thức của dân chủ”!

Nhưng cũng ngay lập tức hàng loạt các ý kiến trên các diễn đàn đã vạch ra sự hoang tưởng cũng như sự lừa bịp của sự thách thức vớ vẩn này. Sự hoang tưởng nằm ở chỗ họ chỉ có một nhúm nhỏ nhưng cứ tự cho mình là thay mặt nhân dân. Sự hoang tưởng thể hiện ở chỗ những đòi hỏi của họ hoàn toàn xa lạ với cách mạng Việt Nam, với nhu cầu ổn định xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, những đòi hỏi không bao giờ được đại đa số chấp nhận nhưng vẫn cứ cố gắng phá hoại những cố gắng của cả dân tộc. Và ngay cả thách thức tranh luận công khai trên báo chí trong nước cũng thể hiện sự hoang tưởng và lừa bịp của ông nọ. Hoang tưởng ở chỗ ông ta nghĩ có thể dễ dàng lợi dụng diễn đàn báo chí trong nước tuyên truyền những quan điểm sai trái của ông ta, lừa bịp ở chỗ biết rõ những quan điểm sai trái của mình không được chấp nhận nhưng vẫn lừa tranh luận để tranh thủ tuyên truyền trên các báo chí để sau đó kiếm một cái giống như cái giấy thông hành để lưu hành trong nước. Xin lỗi ông, chúng tôi thừa biết rồi, không lừa được đâu, không ai muốn tranh luận với ông.

Cả hai chuyện dù địa điểm diễn ra rất xa nhau, nhưng có chung một kết luận, đó là bên cạnh những năng lực kỳ diệu kết nối hàng tỷ trái tim cho những điều tốt đẹp nhất nhân loại, Internet cũng chứa đựng những chiếc bẫy lừa đảo, những khe hẹp trên sàn diễn của những kẻ hoang tưởng, những kẻ lừa bịp.