Vụ xe Thành Bưởi gây tai nạn 5 người chết: Tài xế đang bị tước bằng vẫn lái xe xử lý ra sao?

ANTD.VN - Cơ quan điều tra vừa khởi tố lái xe khách Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết, 4 người bị thương. Điều được nhiều người quan tâm là cá nhân đang bị tước bằng lái xe nhưng vẫn điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng nêu trên, ngày 2-10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Tính (37 tuổi, quê quán Thừa Thiên Huế) - tài xế xe Thành Bưởi - để điều tra về hành vi vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên là do tài xế Tính lấn trái trên quốc lộ 20 rồi đâm trực diện vào ô tô 16 chỗ chạy chiều ngược lại.

Sau khi gây tai nạn, Tính rời khỏi hiện trường. Đến 8h sáng 30-9 người này mới ra cơ quan công an trình diện, khai nhận vụ việc. Bước đầu, Tính khai vào thời điểm gây tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái xe 3 tháng vì lái xe khách chạy quá tốc độ.

Thông tin trên khiến nhiều người dân bức xúc phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, lái xe này đang bị tước quyền sử dụng bằng lái 3 tháng không những không nghiêm khắc rút kinh nghiệm và nghiêm túc chấp hành mà vẫn điều khiển xe tham gia giao thông rồi gây tai nạn. Hành vi vi phạm pháp luật này cần bị xử lý thích đáng để răn đe.

Hiện trường vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi khiến 5 người chết, 4 người bị thương

Hiện trường vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi khiến 5 người chết, 4 người bị thương

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 260 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại.

Còn về hành vi vẫn cố tình lái xe trong khi đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, luật sư Lê Hồng Vân cho biết, Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép thì cá nhân không được điều khiển xe ghi trong giấy phép lái xe, nếu cá nhân vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Về mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không có giấy phép, Nghị định 100/2019 quy định mức phạt tiền từ 10-12 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, tình tiết "điều khiển xe không có giấy phép lái xe theo quy định” thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 với khung hình phạt từ 3-10 năm tù - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.