Vụ Việt Á: Cựu Bí thư Hải Dương phạm tội mang yếu tố người đứng đầu

ANTD.VN - Chiều 9-1, phiên tòa xét xử Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Việt Á) và 37 bị cáo liên quan tiếp tục phần tranh luận. Liên quan đến hành vi phạm tội của cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, luật sư cho rằng thân chủ mình phạm tội mang yếu tố trách nhiệm của người đứng đầu…

Cựu Giám đốc CDC nhận gần 17 tỉ đồng

Theo đó, trong vụ án Việt Á, bị cáo Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương bị truy tố, xét xử về tội “Nhận hối lộ” với số tiền bị cáo buộc chiếm hưởng bất chính nhờ chức vụ, quyền hạn là 27 tỉ đồng.

Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) xác định, Phạm Duy Tuyến thỏa thuận thông đồng với Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Việt Á) về việc hợp thức thủ tục hồ sơ cho Công ty Việt Á trúng thầu và doanh nghiệp này sẽ chi cho Tuyến 20% - 25% giá trị hợp đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền rất lớn. Đại diện VKS cũng đã đề nghị xử phạt bị cáo Tuyến từ 13-14 năm tù về tội danh truy tố.

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Bào chữa cho cựu Giám đốc CDC Hải Dương, luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị là quá nặng đối với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Luật sư nêu, CDC Hải Dương ứng trước kit test của Công ty Việt Á rồi mới hợp thức hồ sơ để thanh toán là theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Bản thân bị cáo Tuyến không tự ý thực hiện.

“Đây là việc của cơ quan cấp trên nhưng “quả bóng” được đẩy sang cho CDC. Vì thế bị cáo Tuyến mới đứng ra ký hợp đồng và các văn bản, chứng từ liên quan. Với số tiền 27 tỉ đồng nhận hối lộ từ Phan Quốc Việt, luật sư nói Việt Á chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Tuyến nằm trong “chủ trương chung” của công ty, áp dụng trên cả nước chứ không chỉ riêng Hải Dương. Việc chi tiền do Việt Á chủ động, tự nguyện, hai bên không trao đổi, bàn bạc thỏa thuận.

Luật sư dẫn chứng, sau khi thanh toán mới được Việt Á đưa tiền chứ không có thỏa thuận ngay từ đầu. Khi nhận tiền, bị cáo Tuyến không ý thức được đây là tiền ngân sách bị thiệt hại mà cho rằng đó là lợi nhuận Công ty Việt Á chia sẻ.

Số tiền bị cáo Tuyến nhận từ Việt Á là đặc biệt lớn, nhưng bị cáo này còn chi cho nhiều người khác như cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương và những người tham gia chống dịch khác. Bản thân Tuyến chỉ nhận hơn 16 tỉ đồng.

Theo luật sư, sau khi bị bắt tạm giam, do nhận thức rõ sai phạm nên cựu Giám đốc CDC Hải Dương đã vận động gia đình cố gắng khắc phục hậu quả. “Vợ bị cáo đã phải dùng tiền gia đình, thậm chí vay lãi suất cao để lấy tiền nộp khắc phục” - luật sư nói và cho hay đến nay gia đình đã nộp tổng cộng được hơn 15 tỉ đồng. Phần còn lại, Tuyến tự nguyện dùng một số bất động sản đang bị kê biên để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương.

Luật sư nêu các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, có thành tích trong công tác, đã khắc phục hậu quả, mắc bệnh tiểu đường… Từ đó, vị luật sư mong muốn và đề nghị VKS điều chỉnh mức đề nghị án theo hướng thấp hơn bản luận tội trước đó.

Áp lực từ tình hình dịch bệnh

Về phần mình, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Hải Dương) cũng cho rằng, mức án VKS đề nghị với thân chủ luật sư này là quá nặng. Bị cáo Thăng bị xét xử truy tố tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.

Bào chữa cho cựu Bí thư Hải Dương, luật sư cho rằng mức hình phạt từ 5-6 năm tù VKS đề nghị quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo.

Luật sư nêu, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, có nguy cơ lan rộng như vậy nên cần có sự kịp thời chỉ đạo của Tỉnh ủy. Với vai trò đứng đầu cấp ủy, bị cáo Thăng buộc phải có các chỉ đạo để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi vi phạm của bị cáo.

Việc ông Thăng có chỉ đạo để Việt Á tham gia xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương là do tình hình dịch bệnh cấp bách và bị cáo tin tưởng đề xuất từ lãnh đạo Bộ Y tế, đồng thời căn cứ theo kết quả cuộc họp, theo đề xuất của những người tham gia cuộc họp. Thời điểm này, bị cáo Thăng chưa gặp hay có liên hệ với bị cáo Phan Quốc Việt, chưa nhận lợi ích vật chất.

Theo luật sư, lúc đó, Việt Á là đơn vị có năng lực xét nghiệm, có đủ điều kiện để cung cấp kist test và hỗ trợ máy móc, nhân lực trong khi CDC Hải Dương năng lực xét nghiệm, phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương rất hạn chế.

Về tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Thăng, luật sư cho rằng thân chủ mình không chỉ đạo mở rộng xét nghiệm sàng lọc, tăng công suất xét nghiệm để tạo nguồn thu lớn cho Công ty Việt Á. Thực tế, việc tăng công suất xét nghiệm xuất phát từ thực tế yêu cầu chống dịch.

“Ngoài 4 kết luận cuộc họp, ý kiến chỉ đạo sai lầm đã bị xem xét trong vụ án này, ông Thăng còn rất nhiều chỉ đạo khác trong công tác phòng, chống dịch (66 kết luận) đúng đắn, chính xác giúp tỉnh Hải Dương kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh thời điểm này. Mong HĐXX xem xét”- luật sư của bị cáo Thăng trình bày.

Tiếp đó, luật sư nêu các tình tiết giảm nhẹ của cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng như: nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với CQĐT, tự nguyện khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, được nhiều cơ quan có đơn xin giảm nhẹ… “Chốt” nội dung bào chữa, luật sư đề nghị VKS và HĐXX cho bị cáo Thăng được hưởng mức hình phạt dưới mức đề nghị của cơ quan truy tố.