Vụ vi phạm về đấu thầu tại Sở KH-ĐT Hà Nội: Buộc các bị cáo phải bồi thường là đúng pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều nay 30-12, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu Tư (KH-ĐT) Hà Nội tiếp tục phần tranh luận với việc đại diện Viện kiểm sát đối đáp trước các quan điểm của luật sư.

Viện kiểm sát kêu gọi tố cáo Công ty Nhật Cường

Đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Đại diện VKS cho rằng, đây là một vụ án đồng phạm, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Chánh văn phòng Thành ủy, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT) ngay tại buổi đầu tiên xét hỏi đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm quy định về đấu thầu nhưng luật sư của bị cáo lại đưa ra các luận điểm khẳng định thân chủ không phạm tội, không gây thiệt hại.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

“Khi đại diện VKS trình bày quan điểm xử lý vụ án, bị cáo Tứ thừa nhận mức xử lý, hình phạt mà đại diện VKS đề nghị vừa mang tính nghiêm minh, đồng thời cũng rất nhân văn. Bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình” - VKS viện dẫn.

Theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo đồng phạm với bị cáo Tứ cũng rất rõ ràng khi chỉ còn 5 phút nữa mở thầu mở, xét thầu, thì các bị cáo đã có những hành vi để dừng thầu. “Rõ ràng không minh bạch, không công bằng”, đại diện VKS khẳng định.

Trong phần tranh luận, có luật sư cho rằng vụ án này không có hậu quả, có lư sư cho rằng cách tính thiệt hại không thỏa đáng. Đối đáp với quan điểm này của các luật sư, đại diện VKS nhìn nhận, các bị cáo sau sau khi dừng thầu đã có việc tiếp xúc với Công ty Nhật Cường, tạo lợi thể để Liên danh Nhật Cường- Đông Kinh trúng thầu.

Đại diện VKS nêu, người đi thi được gửi trước đầu bài thì có phải tạo lợi thế không? Đấu thầu mà có thông thầu, có “quân xanh quân đỏ” thì có đảm bảo công bằng không? Liệu có phải hủy kết quả đấu thầu này không? Cơ quan chuyên môn đã có trả lời và rõ ràng có đủ căn cứ để hủy. Mà hủy thì hợp đồng vô hiệu, nhà thầu phải chuyển lại toàn bộ tiền đã được Nhà nước thanh toán.

Sau khi trúng thầu, nhà thầu thực hiện như thế nào? Có vi phạm không khi các bị cáo thừa nhận, sau khi trúng thầu Nhật Cường bán thẳng cho Đông Kinh để nhận 19 tỷ đồng.

Các luật sư đưa ra quan điểm về thiệt hại và cách tính thiệt hại nhưng ở đây, mục đích của cuộc đấu thầu là Sở KH-ĐT phải nhận được sản phẩm tròn trịa, phát huy được hiệu quả chứ không phải dở dang như thế này. Gói thầu có mục đích là số hóa và đính lên được hệ thống dữ liệu quốc gia.

Đại diện Viện kểm sát thực hành quyền công tố tại phiên xét xử.

Đại diện Viện kểm sát thực hành quyền công tố tại phiên xét xử.

Nhưng mục đích trên đã không thực hiện được. Đến nay, nó vẫn là gói dữ liệu, chỉ phát sinh thêm kho hồ sơ điện tử, phải tốn thêm thiết bị lưu trữ, thêm nhân công bảo trì quản lý, thậm chí nguy cơ về bảo mật.

Về trách nhiêm dân sự, nhiều luật sư khẳng định, phải đưa Công ty Nhật Cường vào và buộc đền bù dân sự. Đối đáp quan điểm này của các luật sư, đại diện VKS nêu: “Rất mong luật sư nào có thông tin Nhật Cường ở đâu? Ai là người đại diện pháp luật? Công ty Nhật Cường hoạt động như thế nào đề nghị cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng".

Đây là vụ thứ hai liên quan đến Công ty Nhật Cường, người đại diện theo pháp luật của Nhật Cường là Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, đang bị truy nã, giám đốc tài chính, trưởng các ngành hàng đang chấp hành án, đã xác minh Nhật Cường không còn tài sản nữa.

Đây là vụ án đồng phạm nên đương nhiên các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự và được dành quyền khởi kiện đối với Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường yêu cầu bồi hoàn.

Theo quan điểm của đại diện VKS, Nhật Cường khi tham gia liên danh Nhật Cường - Đông Kinh chỉ góp được mấy email gửi cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, góp cái tên doanh nghiệp Công ty Nhật Cường và cái tên Bùi Quang Huy.

“Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhà nước, việc buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường là có căn cứ, đúng pháp luật. Và thực tế các bị cáo rất có ý thức khắc phục hậu quả khi tại tòa nhiều người đã động viên gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả” - đại diện VKS đối đáp.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc đình chỉ gói thầu là có căn cứ, không liên quan gì đến email mà Bùi Quang Huy gửi. Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chỉ ra được việc chỉ đạo dừng thầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung là sai quy định.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Đại diện VKS khẳng định, chưa bao giờ kết luận việc bị cáo Nguyễn Đức Chung đã đọc email mà Bùi Quang Huy gửi hay chưa.

Đại diện VKS sau đó một lần nữa khẳng định, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chỉ đạo bị cáo Tứ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm đó xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước. Từ đó, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Không biết hợp đồng khống trong hồ sơ dự thầu

Trước đó, khi tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung thừa nhận có 3 lần gọi điện thoại cho bị cáo Nguyễn Văn Tứ. "Tôi có trình bày, 3 cuộc gọi điện thoại đó đã nói dừng, yêu cầu bổ sung chỉ đạo, bổ sung dự án vì chưa được thẩm định. Đây là dự án cập nhật dữ liệu lên hệ thống dữ liệu quốc gia" - bị cáo Chung nói.

Theo bị cáo Chung, đối với những dự án cập nhật lên dữ liệu quốc gia thì đều do Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và phải có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong trường hợp này, đây là một tiểu dự án của một trong 63 tỉnh thành cập nhập lên hệ thống.

Nội dung bị cáo Tứ nêu trong báo cáo chưa có nên mới có cuộc gọi thứ 2 và 3. Khi đó, bị cáo Tứ có xin để sở được vận dụng, xử lý nhằm mục đích không để các nhà thầu kiện và không để báo chí đăng vì ông Tứ mới lên làm giám đốc sở.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

"Tôi khẳng định với HĐXX, tôi với tư cách là một con người, không xem email của Bùi Quang Huy gửi để từ đó gọi điện thoại cho bị cáo Tứ", ông Chung nói và cho rằng mình chưa bao giờ gợi ý, yêu cầu cấp dưới phải ủng hộ Nhật Cường hay bất cứ doanh nghiệp nào" - bị cáo Chung khẳng định.

Theo bị cáo Chung, việc vận dụng công nghệ của Nga trong dự án chỉ xuất hiện sau ngày 31-7-2016, khi hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm ra mắt cổng dịch vụ công. “Từ các trình bày trên, mong chủ toạ cho phép tôi bác bỏ lời khai của ông Tứ về việc yêu cầu đình chỉ thầu để đưa công nghệ Nga vào” - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Bị cáo Chung sau đó tiếp tục khẳng định, từ năm 2016 đến năm 2020, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội chưa bao giờ được UBND thành phố phân cấp cho thẩm quyền là chủ đầu tư dự án số hoá. Bản thân bị cáo khi là Chủ tịch Hà Nội cũng chưa bao giờ ký một quyết định nào cho giám đốc sở mua sắm trong dự án này.

Nhắc đến Công ty Nhật Cường, bị cáo Chung cho hay, công ty này chỉ làm duy nhất cho thành phố phần mềm dịch vụ công. Họ tự bỏ tiền đàm phán, khảo sát, xây dựng. Nếu sau này, UBND thành phố thẩm định được thì sẽ phê duyệt. Và thực tế, thành phố chưa chi trả một đồng nào. Đến khi họ bị bắt thì họ rút khỏi dự án này.

Bị cáo Chung cho rằng, không thể nhìn vào Bùi Quang Huy để nhìn vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhật Cường Software. Thời điểm đó, ngay cả chuyên gia của Viettel, FPT phải thừa nhận đội ngũ kỹ sư của Nhật Cường Software khi họ tự viết phần mềm bán lẻ chuyên nghiệp.

Theo bị cáo Chung: "Không thể lấy việc chỉ đạo đúng pháp luật nêu trên là nhân quả của việc Nhật Cường trúng thầu gói thầu số hoá năm 2016 được".

Với hợp đồng giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Minh Hoa (do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ bị cáo Chung làm giám đốc được xác định là hợp đồng khống để Nhật Cường đưa vào hồ sơ dự thầu), bị cáo Chung cho rằng, bản thân không biết việc này.

“Bị cáo có suy nghĩ, vợ mình là một cá nhân độc lập. Đúng là hai vợ chồng nhưng là một cá nhân độc lập, hoạt động kinh doanh độc lập, mỗi người chịu trách nhiệm trước pháp luật độc lập. Nếu bắt được Bùi Quang Huy và Huy khai, làm rõ được động cơ mục đích thì vợ bị cáo cũng bị xử lý trước pháp luật. Không thể nào vợ làm, chồng chịu" - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân trần.

Trình bày tại tòa, đại diện Công ty Đông Kinh (đơn vị liên danh với Công ty Nhật Cường thực hiện dự án số hóa tại Sở KH-ĐT) có mong muốn được tiếp tục phần hiệu đính hồ sơ miễn phí nhằm khắc phục thiếu sót của dự án.

Trong khi ấy, cáo trạng xác định, gói thầu gồm 2 phần là số hóa và đính tài liệu. Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Trước khi đại diện VKS đối đáp, chủ tọa Vũ Quang Huy đã công bố nội dung liên quan đến chiếc iPad của bị cáo Nguyễn Đức Chung. Chiếc iPad có chứa email cá nhân của ông Chung, được coi là “vật chứng mới” do luật sư xuất trình tại tòa.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung nhiều lần khẳng định không đọc email của Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) để yêu cầu dừng thầu, “tác động”, can thiệp, giúp Công ty Nhật Cường tham gia thí điểm và trúng 2 gói thầu dự án số hóa tại Sở KH-ĐT Hà Nội.

Chủ tọa Vũ Quang Huy cho biết, sau khi tiếp nhận vật chứng mới, tòa án đã chuyển cho VKS để làm thủ tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự. VKS đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao xem xét chiếc iPad với sự chứng kiến của bị cáo Chung và luật sư.

“Bị cáo Chung không nhớ mật khẩu mở iPad, nói sẽ cung cấp mật khẩu sau. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email trên. Việc truy cập email không nhất thiết phải sử dụng iPad mà sử dụng các thiết bị khác như máy tính, điện thoại. Trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ đã đọc hay chưa”, chủ tọa thông tin.