Vụ thông thầu tại Đồng Nai: Nhân viên Công ty AIC nói bị sức ép rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 23-12, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ thông thầu gây thất thoát hơn 152 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục phần thẩm vấn của các luật sư....

Liên quan đến bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An, hiện đang bỏ trốn), luật sư bào chữa đã nêu lại nội dung đơn mà bị cáo Thuyết đã gửi đến TAND TP Hà Nội. Như đã thông báo tại phiên khai mạc, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội cũng đã nhận được đơn của bị cáo Thuyết.

Theo đó, nội dung đơn của bị cáo Thuyết thể hiện bị cáo này không thể về Việt Nam trong thời gian ngắn mặc dù rất mong muốn có mặt trực tiếp tại phiên tòa để trình bày nội dung. Về nội dung bào chữa, bị cáo đồng ý để luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ thông thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ thông thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Về việc quy kết “quân xanh”, “quân đỏ”, theo đơn của bị cáo Thuyết, bị cáo này cho rằng không nhớ chính xác việc đại diện cho doanh nghiệp ký các hồ sơ dự thầu. Về kết luận điều tra cũng như cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS), bị cáo tôn trọng toàn bộ 2 văn bản này vì đây là kết quả làm việc của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.

Về việc quy kết bị cáo bỏ trốn, cần xử lý nghiêm, trong đơn, bị cáo Thuyết khẳng định bản thân không hề có ý định bỏ trốn, không biết có vụ án này vì đã xuất cảnh vào tháng 4-2021, khi đó vụ án còn chưa xác minh, chưa khởi tố. Bị cáo ở Hoa kỳ từ thời điểm đó tới bây giờ, vì có 2 con nhỏ đang theo học tại đây, cần có người giám hộ; trong khi ấy, vợ chồng đã chia tay nên bị cáo là người duy nhất có quyền giám hộ.

Đối với tiến độ giải quyết vụ án này, theo lời luật sư, bị cáo biết thông qua luật sư và báo chí. Và khi đó, vụ án đã có cáo trạng, được chuyển sang Tòa án; sau 10 ngày, Tòa đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử; khoảng thời gian quá ngắn, bị cáo chưa thể thu xếp công việc gia đình để trở về.

Qua thư gửi tới Tòa án, bị cáo Thuyết mong được HĐXX giải quyết vụ án thấu đáo, khách quan và mong được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Bị cáo đã gửi tiền về nhờ gia đình nộp lại số tiền bị quy kết để khắc phục thiệt hại.

Liên quan đến bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên, hiện đang bỏ trốn), tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho biết thân chủ của mình đang ở Mỹ. Vinh đã trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình với gia đình về việc muốn hợp tác xét xử.

Theo cáo trạng, Công ty Việt Tiên đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có mua bán trang thiết bị, vật tư y tế.

Theo sự phân công của Hoàng Thế Quỳnh (Trưởng nhóm Hồ sơ kỹ thuật, Công ty AIC), bị cáo Nguyễn Quang Minh (nhân viên nhóm Hồ sơ kỹ thuật) liên hệ với Ngô Thế Vinh đặt vấn đề làm “quân xanh” cho Công ty AIC tham gia đấu thầu tại Dự án mua sắm trang thiết bị Y tế tại Bệnh viện Đồng Nai.

Vì muốn bán thiết bị y tế cho Dự án thông qua Công ty AIC nên Vinh đồng ý lập hồ sơ pháp lý và ký hợp thức hóa hồ sơ dự thầu 10 gói thầu của Dự án, gồm gói số 64, 65, 67, 69, 72, 73, 74, 75, 76, 77, do nhóm Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu, Công ty AIC) thiết lập đứng tên Công ty Việt Tiên.

Hợp thức hồ sơ dự thầu của Công ty Việt Tiên, trước đó Ngô Thế Vinh đã ký giấy giới thiệu chuyển cho Nguyễn Quang Minh để thực hiện việc mua hồ sơ dự thầu. Ngoài ra, Vinh còn cung cấp cho Minh báo giá thiết bị của hãng sản xuất (Kavo – Đức; Keer và Gendex – Mỹ; Sateclcc – Pháp) và thiết lập hồ sơ kỹ thuật thiết bị y tế của Gói thầu số 70, 71.

Công ty Việt Tiên làm “quân xanh” để Công ty AIC và các Công ty “quân đỏ” trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại số tiền gần 75 tỉ đồng.

Sau khi AIC trúng thầu, Công ty Việt Tiên ký 3 hợp đồng bán 11 thiết bị y tế cho Công ty TCI để cung cấp vào Dự án, qua đó thu lợi nhuận số tiền 120 triệu đồng.

Trong cáo trạng cũng nêu rõ quá trình điều tra, Ngô Thế Vinh khai nhận hành vi của mình, sau đó bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Căn cứ vào lời khai nhận của Vinh và những người khác, cùng các tài liệu, chứng cứ liên quan, có đủ cơ sở xác định Ngô Thế Vinh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm “quân xanh” giúp AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại số tiền hơn 74 tỉ đồng.

Cuối buổi sáng ngày thứ ba xét xử vụ án, trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu Công ty AIC) cho biết, hành vi của bị cáo này và những người trong nhóm hồ sơ chủ yếu là tập hợp, thu gom các giấy tờ, tài liệu để các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu ("quân xanh", "quân đỏ" - PV) tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Quá trình lạm việc tại Công ty AIC, nhóm hồ sơ của bị cáo này phải chịu rất nhiều áp lực từ phía lãnh đạo. Nhiều lần bị nhắc nhở, cánh báo nếu không cố gắng làm tốt thì sẽ bị kỷ luật, cắt tiền thưởng tháng lương thứ 13 hoặc bị đuổi việc.

Trả lời trước tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng Giám đốc Công ty AIC) xác nhận lời khai của bị cáo Tuân là đúng sự thật. Và bản thân bị cáo Nga cũng từng bị cắt thưởng tháng lương thứ 13 trong lần trượt thầu gói thầu số 07 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.