Vụ thông thầu tại Đồng Nai: Cựu phó Tổng giám đốc AIC chỉ thừa nhận một phần tội trạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 22-12, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ thông thầu gây thất thoát hơn 152 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục phần thẩm vấn của Viện kiểm sát và các luật sư.

"Đi đêm" với đơn vị thẩm định giá

Trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát (VKS), bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC) cho rằng, nhân viên của mình có khai về việc chỉ đạo lập báo cáo dự kiến cho đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đông Nai là đúng. Việc gặp mặt Nguyễn Công Tiến bên Công ty Thẩm định giá là đúng nhưng không chỉ đạo Nguyễn Tấn Sỹ (cựu nhân viên Công ty TCI) đưa tiền.

Trước tòa, bà Nga có nguyện vọng khắc phục hậu quả và đã có đơn đề nghị gia đình nộp giúp số tiền khắc phục hậu quả. VKS cho biết đã nhận đơn của gia đình bị cáo Nga về việc nộp 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả trong vụ án.

Đại viện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đại viện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Cũng tại phần xét hỏi của VKS, bị cáo Nga thừa nhận lỗi của mình liên quan đến việc vi phạm quy định đấu thầu nhưng cho rằng sai sót ở đoạn nào thì vẫn đang cân nhắc.

Trước câu trả lời này của bị cao Nga, VKS nói rõ bị cáo có định hình được hành vi phạm tội hay không là nhận định của bị cáo. Hành vi này đã xuất phát cách đây từ 9 – 10 năm rồi. Các bị cáo ra tòa, có lúc nhớ lúc không nên VKS phải viện dẫn lời khai trong giai đoạn điều tra để giúp các bị cáo mường tượng, xác nhận lại lời khai. Vấn đề là bị cáo có xác nhận hành vi có vi phạm hay không, vi phạm ở mức độ nào?

Theo lời khai tại tòa của Nga, trong thời gian điều tra vẫn có nội dung chưa được làm rõ như các phụ lục hợp đồng, trong hồ sơ dự thầu.

Đến đây, VKS một lần nữa nhắc lại VKS truy tố Hoàng Thị Thúy Nga có hành vi “đi ngầm” ở 12 hợp đồng; không đặt vấn đề về tài liệu bị cáo đã ký, đây là vấn đề nằm sau hợp đồng này.

Trước khi kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Nga, VKS nhấn mạnh ai kinh doanh cũng muốn lợi nhuân lớn nhưng không được vi phạm, phải tuân thủ pháp luật. Việc vi phạm của bị cáo là “đi đêm”, thông đồng, móc ngoặc với công ty thẩm định giá.

Cái “bắt tay” góp phần gây thiệt hại 140 tỷ đồng

Theo cáo trạng truy tố, Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ đã hối lộ 43,8 tỷ đồng cho 2 lãnh đạo Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Bệnh viện tỉnh này. Qua đây, AIC được trúng nhiều gói thầu tại bệnh viện với giá cao hơn thực tế, gây thiệt hại 152 tỷ đồng.

Giúp sức cho Công ty AIC trúng thầu, cơ quan tố tụng cho rằng Công ty Mediconsult đã ở giữa, phối hợp làm hồ sơ sao cho “đúng ý” cả chủ đầu tư lẫn đơn vị tham gia đấu thầu.

Cụ thể, bị cáo Nhàn giới thiệu nên Phan Huy Anh Vũ đã chỉ định thầu và ký hợp đồng với Công ty Mediconsult thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế; hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự 3 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Thị Dung (cựu Giám đốc Mediconsult) đã “tiếp nhận định hướng từ Phan Huy Anh Vũ”, chỉ đạo Vũ Quang Ngọc - Phó giám đốc dưới quyền thực hiện lập hồ sơ theo ý của chủ đầu tư.

Cơ quan truy tố xác định, bị cáo Ngọc nhận tài liệu hàng hóa của AIC rồi soạn hồ sơ thầu theo hướng bỏ phần quảng cáo, tên riêng, model và chỉ để lại cấu hình, tiêu chuẩn kỹ thuật rồi đưa vào báo cáo điều chỉnh danh mục thiết bị y tế của dự án Bệnh viện Đồng Nai.

Các bị cáo Dung và Ngọc còn chủ động thực hiện việc lập hồ sơ mời thầu, gửi cho nhân viên AIC. “Như vậy, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, giữa bệnh viện, Công ty AIC và Công ty Mediconsult đã có sự thông đồng trong cung cấp cấu hình kỹ thuật và giá thiết bị để trình UBND tỉnh phê duyệt”, cáo trạng nêu.

Tại tòa, bị cáo cựu Giám đốc Mediconsult thừa nhận cáo trạng truy tố đúng nhưng “hơi nặng”. Bà Dung khai doanh nghiệp thành lập năm 2001, chuyên nghiên cứu các dự án nên năm 2007, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đến thăm, đề nghị viết 4 đề tài nhưng “không trả tiền”.

Năm 2009, bị cáo Dung đến Công ty AIC đòi tiền nhưng bà Nhàn nói 4 đề tài đều chưa có tiền ngân sách. “Chị Nhàn bảo bị cáo, cô về đi, sẽ giới thiệu cho tôi chỗ khác để làm. Sau đó, anh Vũ có gọi bị cáo, bảo AIC giới thiệu, yêu cầu bị cáo vào Đồng Nai gặp” - bị cáo Dung khai.

Nữ Giám đốc Mediconsult nói thêm, bà này chỉ đạo Vũ Quang Ngọc làm hồ sơ cho Bệnh viện Đồng Nai theo hướng tiết kiệm nhưng các thiết bị đều phải nhập từ những nước G7. Bị cáo Dung cho rằng không biết hồ sơ bị “thông đồng” lập lên nhưng lời khai này bị tòa đánh giá “không đúng”.

Nguyễn Thị Dung thừa nhận mình có trách nhiệm khi nhân viên làm sai và cho rằng họ bị: “Chủ đầu tư điều khiển quá giới hạn nhiệm vụ quy định”.

Hành vi của bà Dung bị xác định góp phần gây thiệt hại 140 tỷ đồng và hiện mới nộp 50 triệu đồng khắc phục. Được hỏi vấn đề này, người phụ nữ bật khóc, nói: “Tiền đó là 2 đứa con gái thương mẹ đóng vào”.

Đến lượt mình, bị cáo Ngọc thừa nhận hành vi thông đồng lập hồ sơ thầu theo hướng giúp Công ty AIC như cáo trạng nêu. Anh ta khai quá trình làm việc đã: “Báo cáo cô Dung việc xây dựng cấu hình kỹ thuật phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư và phía Công ty AIC”.

Cuối giờ ngày xét xử thứ hai vụ án, một số luật bào chữa cho các bị cáo cũng bước đầu tham gia phần xét hỏi. Qua đó, tiếp tục làm rõ hành vi cũng như tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo trong vụ án.