Vụ Tân Hoàng Minh: Nếu bị hại đã chết, số tiền được bồi thường thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại phiên tòa xét xử vụ Tân Hoàng Minh, một trong những bị hại cho biết, có người mua trái phiếu đã chết khi chưa nhận lại được tài sản. Vậy theo quy định, quyền lợi của bị hại này được giải quyết ra sao?

Cũng trong phiên tòa xét xử vụ Tân Hoàng Minh, nhiều bị hại đề nghị HĐXX tuyên trả số tiền cho các bị hại để họ sớm nhận lại tài sản ổn định cuộc sống; đồng thời xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Về quyền lợi hợp pháp của các bị hại, theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2025, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, kháng cáo bản án, quyết định của toà án…

Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại điều này.

Phiên xét xử vụ Tân Hoàng Minh với hàng nghìn bị hại

Phiên xét xử vụ Tân Hoàng Minh với hàng nghìn bị hại

Như vậy, khi tham gia tố tụng, nếu bị hại đã chết, người đại diện hợp pháp của bị hại sẽ tham gia tố tụng và có các quyền theo quy định tại điều luật nêu trên, trong đó có các quyền cơ bản như đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo….

Nếu yêu cầu bồi thường của người đại diện hợp pháp của bị hại (đã mất) được chấp nhận, người thừa kế của người bị thiệt hại sẽ được hưởng toàn bộ tài sản bồi thường từ các bị cáo, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết hoặc phần tài sản nằm trong khối tài sản chung với người khác. Khi người được bồi thường trong vụ án hình sự chết đi, số tiền đền bù lúc này được xem như là di sản thừa kế và những người thừa kế của bị hại có quyền yêu cầu nhận di sản của người đã mất.

Nếu trước đó người bị hại đã mất có di chúc về toàn bộ tài sản của mình, việc chia di sản sẽ được thực hiện theo di chúc. Còn nếu không có di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Khi đó những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ (chồng), con của bị hại được hưởng di sản thừa kế. Nếu bị hại không có vợ (chồng) con, bố mẹ cũng đã mất thì người đứng ở hàng thừa kế thứ hai là anh chị em ruột của bị hại sẽ có quyền nhận thừa kế đối với khoản tiền bồi thường từ các bị cáo.

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận, thì thừa kế thuộc về Nhà nước, luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.