- Quá trình truy bắt kẻ cướp xe, gây tai nạn khiến nhiều người thương vong
- Con điều khiển xe máy gây tai nạn nghiêm trọng, bố bị khởi tố
- Kịp thời cứu tài xế mắc kẹt trong ca bin xe tai nạn
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và bài viết về chiếc xe ô tô bị tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) với rất nhiều bao hàng lân, đạm dùng trong trồng trọt văng từ xe xuống đường. Theo thông tin ban đầu, dù tài xế đã yêu cầu, thậm chí van xin người dân đừng lấy hàng song vẫn có không ít người băng qua cao tốc để vác và xúc lân, đạm mang về.
Sau khi rà soát, nhà xe cho biết, tổng thiệt hại là trên 10 tấn hàng, bao gồm cả số hàng rơi vãi do bao đựng bị vỡ và hàng hóa bị người dân lấy đi. Hiện cơ quan chức năng tại nơi xảy ra tai nạn đang xác minh, làm rõ vụ việc.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ‘hôi của’ là hành vi lợi dụng lúc người khác xảy ra tai nạn ngoài ý muốn để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc, tài sản của người đó một cách công khai. Đây là dấu hiệu của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hành vi này không chỉ trái đạo đức, bị lên án mạnh mẽ trong xã hội mà còn vi phạm pháp luật.
Do vậy, với vụ việc trên, nếu có đủ căn cứ cho rằng, nhiều cá nhân đã có hành vi ‘hôi của’ từ chiếc ô tô gặp tai nạn thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả..., các đối tượng này sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…
Như vậy, người có hành vi ‘hôi của’ có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người ‘hôi của’ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Điều 172 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Hành hung để tẩu thoát; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 7-15 năm.
Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng – luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.