Vụ dùng gậy đánh nhân viên sân golf: Đại biểu Hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước những lùm xùm quanh vụ khách đánh golf được cho là Đại biểu HĐND tỉnh đánh nhân viên phục vụ sân golf phải nhập viện cấp cứu, nhiều người đặt câu hỏi: Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao và đại biểu Hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm khi nào?

Được biết, đến thời điểm hiện tại, UBND quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã giao Công an quận xác minh vụ nữ nhân viên sân golf BRG Đà Nẵng bị đánh. Theo thông tin ban đầu, người có hành vi hành hung nhân viên này là Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, đồng thời là đại biểu đương nhiệm Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, mọi cá nhân có hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự công cộng nêu rõ, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt 5 - 8 triệu đồng và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho nạn nhân.

Nữ nhân viên sân golf BRG Đà Nẵng bị đánh phải nhập viện cấp cứu

Nữ nhân viên sân golf BRG Đà Nẵng bị đánh phải nhập viện cấp cứu

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi. Tuy vậy, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều này khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi. Các trường hợp vi phạm thuộc Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 134 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào việc bị hại có đơn yêu cầu hay không.

Về tư cách Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), theo Luật sư Hồng Vân, đại biểu HĐND do cử tri địa phương bầu ra, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật.

Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định, Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.

Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.

Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.

Như vậy, nếu xét thấy đại biểu HĐNDkhông đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì HĐND hoặc cử tri sẽ bãi nhiệm.

Ngoài ra, theo Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, người được HĐND bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để HĐND bầu chức vụ đó. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để HĐND bầu chức vụ đó trình HĐND miễn nhiệm người có đơn xin từ chức tại kỳ họp gần nhất.