Vụ cháy quán Luxury - quận Tây Hồ: Buông lỏng quản lý

ANTĐ - Sự cố hỏa hoạn xảy ra tại quán Luxury, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, đêm 23-9 là điều không ai mong muốn. Quá trình tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều “không mong muốn” này, PV ANTĐ đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng đã thực sự làm hết trách nhiệm?

Không phải quán bar?

Quán Luxury có diện tích hơn 600 m2, nằm ở vị trí đẹp trên đường Yên Phụ. Nếu không có sự cố xảy ra, hôm nay 26-9, Luxury sẽ tròn 1 năm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo lý giải của cán bộ chức năng quận Tây Hồ, cơ sở này không được cấp phép hoạt động quán bar, mà chỉ có giấy phép kinh doanh rượu, thuốc lá, cà phê, giải khát, biểu diễn ca nhạc, tổ chức sự kiện. Ở đây đã có sự “lách luật”. Đăng ký kinh doanh quán bar bắt buộc phải có phương án đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Không đăng ký kinh doanh bar, Luxury có thể sẽ “né” được quy định này, nếu cơ quan chức năng không “làm chặt”. 

Đặt câu hỏi về phương án và sự thẩm duyệt an toàn PCCC đối với Luxury, một cán bộ thuộc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, không nhất thiết cứ phải là quán bar mới cần có phương án và được sự thẩm duyệt an toàn PCCC trước khi đi vào hoạt động. Những địa điểm tập trung đông người, vui chơi giải trí, và nhất là có diện tích rộng như Luxury, phương án đảm bảo an toàn PCCC là hết sức cần thiết. Nhưng, Luxury đã không đáp ứng được yêu cầu quan trọng này. Chỉ có duy nhất 1 biên bản được lập đối với chủ quán bar về công tác PCCC, là không đủ điều kiện an toàn PCCC. Quán chỉ có 1 cửa ra vào “kiêm” thoát hiểm, cùng nhiều loại vật liệu dễ cháy.

Không được cấp phép kinh doanh quán bar nhưng vẫn treo biển và hoạt động không khác quán bar; không đủ điều kiện an toàn PCCC… những tồn tại ấy, cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở đã từng bao giờ đề xuất chế tài mạnh với Luxury?

Cần siết chặt quản lý

Bar, karaoke, vũ trường… đều là những tụ điểm thường tập trung đông người về đêm, và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Hàng loạt những tồn tại ở các cơ sở này đã bị nhận diện, như không có cầu thang thoát nạn, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, diện tích chật hẹp, không có lối thoát hiểm, nhân viên phục vụ không có kiến thức PCCC... Nhiều quán do mặt bằng kinh doanh trước đó là nhà dân, văn phòng, khi chủ cơ sở kinh doanh thuê lại, đã thay đổi công năng và thường “quên” mời cơ quan chức năng thẩm duyệt về PCCC.

Những quy định đảm bảo an toàn PCCC đã có, nhưng việc thực hiện và kiểm tra lại là vấn đề khác. Trước vụ hỏa hoạn tại quán Luxury, mấy tháng trước, Hà Nội từng xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại quán Karaoke Nhật Thực ở 43 Giảng Võ, quận Đống Đa, làm 5 người chết. Trước nữa, tháng 6-2009, khu bếp tầng 2 quán Cafe - Karaoke trên phố Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng) xảy cháy. Tháng 1-2010, hỏa hoạn xảy ra tại nhà hàng “Điểm hẹn ca nhạc đêm Tây Hồ” (ngõ 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), khiến 1 người chết, 1 người bị thương, toàn bộ diện tích khoảng 560 m2 nhà hàng bị thiêu rụi. Tháng 5-2010, tòa nhà 14 tầng chuyên kinh doanh dịch vụ karaoke, cafe trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) cũng xảy cháy…Tai nạn nối tai nạn, và đều là những hiểm họa đã được trông thấy trước. 

Vẫn còn 1 nạn nhân nguy kịch

Ngày 25-9, Bệnh viện Xanh Pôn đã có văn bản báo cáo lên Sở Y tế Hà Nội về tình hình tiếp nhận, điều trị các nạn nhân bỏng trong vụ cháy quán bar Luxury đêm 23-9. Theo đó, hiện tại còn 9 bệnh nhân (trong số 13 bệnh nhân được đưa vào viện) vẫn đang tiếp tục nằm điều trị tại bệnh viện. Hầu hết các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, phải tiếp tục nằm theo dõi các dấu hiệu tiến triển của bỏng hô hấp, một vài trường hợp đến trưa 25-9 vẫn còn ho nhiều, khó thở, khạc ra bụi đen. Đặc biệt, còn 1 trường hợp khá nặng đang được nằm điều trị tích cực ở khoa Ngoại tăng cường. Theo nhận định của bệnh viện, do các bệnh nhân có dấu hiệu bỏng hô hấp nên công tác điều trị phức tạp và kéo dài.