Vụ bác sĩ để quên gạc trong chân bệnh nhân: Không phối hợp tốt về chuyên môn

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đưa tin về việc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tạm đình chỉ công tác bác sĩ Lê Anh Tuấn - Khoa Chấn thương vì để quên gạc trong chân bệnh nhân sau phẫu thuật, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về vụ việc này.

Vụ bác sĩ để quên gạc trong chân bệnh nhân: Không phối hợp tốt về chuyên môn ảnh 1

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông họp thông tin về vụ bác sĩ quên gạc trong chân bệnh nhân chiều 1-6

- PV: Với tư cách là Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, ông có ý kiến gì về sai sót của bác sĩ trong trường hợp này?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Đọc được thông tin về vụ việc bác sĩ Lê Anh Tuấn, Khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bị bệnh viện tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét hình thức xử lý vì lỗi bỏ quên gạc trong chân bệnh nhân sau khi phẫu thuật, trước hết tôi cảm ơn Báo ANTĐ đã đưa thông tin một cách khách quan. Tuy nhiên là một người công tác trong ngành ngoại khoa, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một số vấn đề về chuyên môn để làm rõ hơn lỗi sai sót của bác sĩ trong trường hợp này.

Theo quan điểm của tôi, khi xử trí vết thương phần mềm gan chân trái cho bệnh nhân Nguyễn Hải Anh (SN 1991, ở Hà Đông), do vết thương tương đối sâu, chảy nhiều máu nên bác sĩ Tuấn đã đặt bấc (gạc) dẫn lưu dịch tồn dư trước khi khâu vết thương, đồng thời kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, hẹn tái khám sau 24 giờ để thay băng và rút bấc dẫn lưu là hoàn toàn đúng về chuyên môn. Do đó, việc xử lý bác sĩ Tuấn vì lỗi sai sót chuyên môn, lỗi để quên gạc trong chân bệnh nhân là không thỏa đáng, bởi đây không phải là để quên gạc.

Trong phẫu thuật ngoại khoa, việc xử trí vết thương chảy nhiều máu bằng cách đặt bấc vào trong vùng mổ hay dùng bấc dẫn lưu dịch ra ngoài vết thương khá phổ biến. Ngay tại Bệnh viện Việt Đức, với những ca phẫu thuật chảy nhiều máu như vỡ gan, mổ thận, mổ u xương… các bác sĩ cũng phải chèn gạc vào rồi rút ra dần dần. Bệnh viện Việt Đức cũng hướng dẫn cho nhiều bệnh viện tuyến dưới về cách xử lý này khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

- Theo ông, lỗi của bác sĩ ở trường hợp này là gì, cần xử lý thế nào?

- Trong trường hợp này, sai sót của bác sĩ là sau khi phẫu thuật, đặt bấc  trong chân của bệnh nhân nhưng lại chưa giải thích đầy đủ cho bệnh nhân về những bước điều trị tiếp theo, chưa thực hiện việc bàn giao bệnh nhân chặt chẽ theo quy định… Nói cách khác là bác sĩ này chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn.

Chính vì lỗi này nên khi bệnh nhân đi tái khám, gặp ca trực của bác sĩ khác đã không phát hiện ra việc bệnh nhân có đặt gạc trong chân và không tiến hành rút bấc dẫn lưu theo quy trình, dẫn đến bấc dẫn lưu tụt vào trong gây nguy hiểm.

Theo quan điểm của tôi, với lỗi quên không bàn giao bệnh nhân cho ca trực sau như vậy, có thể xử lý bác sĩ bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh tái phạm, cũng có thể cắt thi đua, lương thưởng, còn nếu xử lý đình chỉ công tác là không thỏa đáng. 

Đặc biệt, trong trường hợp cụ thể này ở Bệnh viện Hà Đông, không chỉ riêng một bác sĩ phẫu thuật có lỗi mà cần phải rút kinh nghiệm cả hệ thống điều trị sau phẫu thuật cho bệnh nhân đó.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này? 

- Bác sĩ Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân khi đặt gạc chèn vào chỗ mổ nhưng không bàn giao bệnh nhân đầy đủ theo quy chế chuyên môn. Khi bệnh nhân đến khám lại, bác sĩ này nghỉ trực nên được một điều dưỡng khác thay băng, không tiến hành rút bấc dẫn lưu theo quy trình. Trong trường hợp này, lẽ ra khi bệnh nhân đến khám lại thì phải có bác sĩ khám và chỉ định điều trị tiếp.

Rồi những ngày tiếp theo khi bệnh nhân đến tái khám, bác sĩ đã không phát hiện ra. Có thể thấy hệ thống điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật của bệnh viện đã phối hợp không tốt, thực hiện không đầy đủ, chặt chẽ theo quy trình, quy chế về chuyên môn. Theo tôi nếu xử lý thì phải chấn chỉnh, xử lý cả hệ thống để rút kinh nghiệm, không xảy ra các trường hợp tương tự về sau.

- Xin cảm ơn ông!