Vụ án giãn dân phố cổ: Đề nghị xem xét trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm

ANTD.VN - Ngày 15-3, phiên tòa xét xử Nguyễn Quốc Xương và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến dự án giãn dân phố cổ Hà Nội chuyển sang phần đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Cụ thể, Nguyễn Quốc Xương (SN 1958) - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà  (gọi tắt là Công ty Hồng Hà) bị đề nghị xử phạt từ 13 năm tù đến 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS năm 1999.

Cũng với tội danh trên, Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) bị đề nghị áp dụng mức án chung thân và Nguyễn Thắng Lợi (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội) bị đề nghị xử phạt từ 18 năm tù đến 20 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Đức Thắng (bên trái) và đồng phạm tại phiên tòa

Luận tội các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, bị hại cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đủ cơ sở để kết luận, ngày 14-6-2000, UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội (gọi tắt là Dự án giãn dân phố cổ) trên cơ sở huy động các nguồn vốn ứng trước.

Trên cơ sở đó và nắm bắt được chủ trương này, Nguyễn Đức Thắng đã giới thiệu để Công ty Hà Nội (do Nguyễn Đức Lợi, em trai Thắng làm Tổng giám đốc) và Công ty Hồng Hà do Trần Ứng Thanh làm Tổng giám đốc được triển khai thực hiện dự án, giai đoạn 1 với tổng nguồn vốn khoảng 4.000 tỉ đồng.

Sau đấy, ngày 23-8-2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định giao cho Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị đầu tư dự án giãn dân phố cổ. Cùng ngày, UBND quận Hoàn Kiếm cũng ra công văn chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được hưởng một số ưu đãi trong dự án.

Đó là được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn, ở của cán bộ, công nhân viên và Công ty Hồng Hà được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ, trên tổng dự án mà doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư… Lợi dụng việc này, Nguyễn Quốc Xương cùng đồng phạm đã ký kết các hợp đồng mua bán căn hộ; hợp đồng góp vốn; hợp đồng đặt cọc (thực chất là mua bán căn hộ) với hàng trăm khách hàng để chiếm đoạt 170 tỉ đồng.

Phát hiện ra việc làm trái luật của doanh nghiệp cũng như cá nhân các bị cáo, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản yêu cầu phải chấm dứt ngay việc ký hợp đồng bán căn hộ cho người dân. Ngày 9-9-2010, Công ty Hồng Hà đã có công văn cam kết chưa bán căn hộ cho cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp và bán ra ngoài khi chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt chi quy hoạch tiết dự án.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục bán các căn hộ cho những người có nhu cầu nên UBND quận Hoàn Kiếm đã ra công văn hủy bỏ các nội dung chấp thuận cho Công ty Hồng Hà được hưởng ưu đãi trong dự án tại công văn trước đó… Như vậy có thể thấy, vào thời điểm các bị cáo ký hợp đồng mua bán căn hộ, dự án giãn dân phố cổ chưa đủ điều kiện mua bán nhưng Nguyễn Quốc Xương và đồng phạm vẫn dùng thủ đoạn gian dối là dụ dỗ, mồi chài khách hàng để chiếm đoạt tài sản của họ.

Luận tội tại phiên tòa, đại diện VKS khẳng định hoàn toàn có đủ cơ sở, căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Quốc Xương và đồng phạm đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như nội dung cáo trạng xác định. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội nên cần phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc.

Và ngoài việc đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội áp dụng các mức hình phạt nêu trên đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm vì đã ban hành công văn chấp thuận cho Công ty Hồng Hà được hưởng ưu đãi trong dự án giãn dân phố cổ khi chưa đủ điều kiện triển khai, dẫn đến việc Nguyễn Quốc Xương và đồng phạm lợi dụng công văn đó để phạm tội.

Sau 2 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và đến chiều 18-3 tới đây sẽ đưa ra phán quyết.