Giãn dân thất bại, lối thoát đã hẹp hơn!

ANTD.VN - Trung tâm Hà Nội, “tấc đất, tấc vàng”, từ mấy chục năm trước đã được ghi nhận là nơi có mật độ dân cư đông đúc hàng đầu thế giới. 

Giãn dân thất bại, lối thoát đã hẹp hơn! ảnh 1Các chung cư cao tầng không ngừng được xây dựng ở khu vực trung tâm 

Dù qua từng thời kỳ, khu vực trung tâm Hà Nội đều được quy hoạch nhưng trên thực tế, việc tuân thủ và thực hiện quy hoạch lại không được nghiêm túc. Hệ quả tất yếu là ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm tại các trục xuyên tâm ra vào khu vực nội đô. 

Trong bối cảnh đường đi lối lại không có sự đột phá, một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế ùn tắc giao thông ở nội thành là giãn bớt các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học và dân cư ra ngoại thành. Yêu cầu này liên tục được nhắc đi nhắc lại trong các bản quy hoạch đô thị Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ.

Thực tế, từ năm 1999, thành phố Hà Nội đã bắt đầu khởi động dự án giãn dân phố cổ sang bên kia sông Hồng. Thời điểm đó, Hà Nội đã tính di dời 26.000 dân phố cổ sang quận Long Biên. Con số này còn rất khiêm tốn so với yêu cầu phải di dời 400.000 dân khu vực lõi (vành đai II trở vào) của quy hoạch.

Thế nhưng, tới nay, sau 18 năm, vẫn chưa có một hộ dân nào được di dời sang Việt Hưng (Long Biên) theo đề án giãn dân của quận Hoàn Kiếm. “Quyết tâm”, “nỗ lực, “cố gắng”... rất nhiều nhưng đáng tiếc kết quả vẫn chỉ là con số 0. 

Trong khi đó, chừng ấy năm dài, dân số nội thành tất nhiên không chịu đứng yên mà  thậm chí còn tăng đến mức nhức nhối.  Kéo theo đó là việc tăng chóng mặt các chung cư cao tầng. Không thể đếm xuể các chung cư cao tầng, nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại... được xây dựng mới ở khu vực trung tâm trong 18 năm qua. Cùng với hàng triệu người ra vào khu vực lõi đô thị mỗi ngày là số lượng xe cộ khổng lồ, chưa tính tới mức độ gia tăng phương tiện cá nhân gấp nhiều lần cách đây gần 20 năm của chính người dân sống trong 4 quận nội thành cũ.

Người dân không ra khỏi nội thành thì trường học, bệnh viện, chợ búa, công sở, trung tâm tương mại... tất nhiên cũng đứng yên tại chỗ. Dù có một vài trường hợp đã xây dựng được cơ sở mới ở các địa bàn lân cận nhưng khu đất cũ thay vì trả lại cho thành phố để xây dựng công trình công cộng thì lại được “nhồi nhét” thêm hạng mục mới hoặc được phá dỡ để xây dựng những khối nhà chung cư vài chục tầng... Giãn đâu không thấy, chỉ thấy chất tải thêm lên khu vực trung tâm vốn đã đông nghẹt thở!

Những nguy cơ đã được dự báo, đường hướng cũng đã được vạch ra từ mấy chục năm trước nhưng khâu thực thi quá yếu kém đã khiến chủ trương giãn dân chống ùn tắc thất bại. Có người nói đây chỉ là thất bại tạm thời vì thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đòi hỏi một “tầm nhìn” tới tận... năm 2050. Tuy nhiên, cần nhớ, thời gian không đợi ai và cách nay gần 20 năm, chúng ta cũng từng “động viên” nhau như vậy. Bây giờ, lối thoát đã hẹp hơn 20 năm trước rất nhiều...