Vụ 4 thuyền viên nhảy xuống kênh Panama: Bỏ trốn vì quá cơ cực

ANTĐ - Mấy ngày vừa qua, người dân ở xóm Đại Hải nói riêng và người dân xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xôn xao chuyện 4 thuyền viên là con em trong xã đi xuất khẩu lao động tìm cách trốn về nước. Sáng 20-8, có mặt tại nhà anh Đào Ngọc Trung một trong bốn thuyền viên vừa mới trở về, anh Trung cho biết: “Chúng tôi trốn về không phải vì bị đánh đập hay ngược đãi mà do không chịu nổi thời gian làm việc hàng ngày quá dài và ăn uống rất kham khổ”.

Các thuyền viên nhảy xuống kênh Panama để được trở về kể lại những ngày sống vất vả trên tàu

Ăn uống quá kham khổ

Bốn thuyền viên nhảy xuống kênh Panama gồm Đào Ngọc Trung (30 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi), Lê Đức Chính (21 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) đều trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Vừa về đến nhà lúc 3h sáng 20-8, anh Đào Ngọc Trung (30 tuổi) vẫn chưa hết mệt mỏi nhưng mặt anh vẫn ánh lên niềm vui của ngày đoàn tụ. Rót nước mời khách, anh Trung chia sẻ: “Được về đến nhà là vui lắm rồi, giờ tôi chỉ muốn nghỉ ngơi còn chuyện công việc sau này hãy tính”. Được biết anh Trung cùng cháu là anh Dương đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 6-2012 với công việc là đánh bắt cá ngừ trên biển. Sau khi sang tới nơi anh được cử làm đầu bếp trên tàu cá Cheng cheng, còn anh Dương được cử làm công nhân đánh cá. Anh Trung làm đầu bếp được nhận lương 500 USD/tháng còn anh Dương 450 USD/tháng. Với số tiền đó, hàng tháng các thuyền viên sẽ bị trừ 50 USD tiền tiêu vặt, số còn lại được công ty chuyển về cho gia đình.

Trên chiếc tàu mà chú cháu anh Trung làm việc có 4 người Việt Nam, 16 thuyền viên người Philippines, 4 thuyền viên người Indonesia, 4 người Trung Quốc. Công việc chính của các thuyền viên là đan câu, đánh bắt cá ngừ đại dương. Anh Dương cho biết: “Từ khi sang làm việc, chúng tôi chỉ mới gọi điện được 1 lần vào dịp tết về cho gia đình. Không những vậy, công việc trên tàu rất vất vả, chúng tôi phải làm 18 tiếng mỗi ngày và chỉ được ngủ khoảng 5-7 tiếng, có hôm câu bị vướng thì thời gian làm việc phải kéo dài hơn”. Không những thời gian làm việc quá vất vả, các thuyền viên còn phải trải qua suốt 14 tháng ăn uống rất kham khổ. Do thời gian một chuyến ra khơi hàng năm trời nên chuyện ăn uống của các thuyền viên trên tàu là rất nan giải. Anh Trung được phân công làm đầu bếp của tàu nên anh hiểu rõ đồ ăn, thức uống của các thuyền viên. Anh Trung chia sẻ: “Giờ giấc làm việc đã rất vất vả, nhưng chuyện ăn uống còn khổ hơn nhiều. Có khi cả tháng trời, anh em chúng tôi phải ăn cá mồi (là loại cá dùng để làm mồi câu cá ngừ thường được ướp lạnh hàng năm trời trên tàu). Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có được ăn rau, nhưng chỉ được thời gian ngắn khi mới ra khơi thôi chứ về sau rau cũng hết. Thịt gà thì chỉ dám nấu dè sẻn, mỗi người được một miếng nhỏ”.

Nghe anh Trung kể lại, anh Hồ Thanh Tùng cho biết: “Từ hôm chúng tôi trở về, nhiều người nói chúng tôi muốn bỏ ra làm ngoài để lương được cao hơn và cũng có thông tin, chúng tôi bỏ về là do bị đánh đập, ngược đãi nhưng tôi khẳng định rằng chúng tôi không hề bị ngược đãi mà ngược lại anh em trên tàu sống rất hòa thuận và vui vẻ. Những lúc không có đồ ăn, bốn anh em Việt Nam đã tự câu cá cho anh em cải thiện bữa ăn nên tất cả mọi người trên tàu rất quý mến. Và chúng tôi cũng không có ý định bỏ ra làm ngoài, chỉ vì cuộc sống quá khổ nên chúng tôi mới phải bỏ về như vậy”. 

Kế hoạch bỏ trốn giữa đêm tối

Suốt 14 tháng lênh đênh trên biển, dù vất vả nhưng tất cả anh em đều muốn kiếm tiền để phụ giúp gia đình nên ai cũng cố gắng. 7 tháng sau khi ra khơi, một thuyền viên người indonesia bị thương ở chân nên tàu buộc phải quay lại để cho người này về nước. Cùng trong đợt đó, do thấy khổ quá nên thêm 3 thuyền viên người Indonesia cũng đã xin về nước theo. Đến tháng 

8-2013 con tàu cập vào cảng ở Panama để đổ dầu, suốt mấy ngày con tàu lưu lại ở đây, 4 thuyền viên người Việt đã nảy ra ý định nhảy khỏi thuyền để về nước. Anh Chính cho biết: “Chúng tôi rất muốn về nước nhưng không dám xin chủ tàu vì sợ chủ tàu không đồng ý. Nghĩ vậy, anh em chúng tôi đã quyết định sẽ nhảy khỏi tàu. Tuy nhiên do đêm tối, mà kênh đào Panama lại quá rộng nên chúng tôi phải đợi cho đến khi con tàu đi qua kênh đào Panama vào lúc 12h đêm (giờ Panama). Nhìn thấy cọc tiêu phân luồng giữa kênh, chúng tôi đã ôm can và phao nhảy xuống rồi nhanh chóng bám vào cọc tiêu phân luồng. Đến 6h ngày 15-8 khi nhìn thấy thuyền của Cảnh sát biển Panama đi qua chúng tôi đã kêu cứu và được họ đưa lên bờ an toàn”.

 Sau khi được Cảnh sát biển Panama giải cứu vào sáng 15-8, 4 thuyền viên được đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama bà Hoàng Kim Anh tiếp xúc và thu xếp chỗ ăn ở, liên hệ để đưa về nước. Nhận được tin chồng nhảy khỏi tàu và bị cảnh sát bắt nay đang được đưa về nước khiến chị Tô Thị Hằng, vợ thuyền viên Đào Ngọc Trung đứng ngồi không yên. Khi chồng trở về chị Hằng mới vỡ òa trong niềm vui sướng. Chị Hằng cho biết: “Anh ấy trở về là mẹ con tôi mừng lắm rồi, vẫn biết anh ấy đi làm để lo cho kinh tế gia đình nhưng nhận được tin báo tôi rất sợ và lo lắng”. 

Không chỉ chị Hằng, mà cả chị Hồ Thị Năm, vợ anh Tùng vui mừng nói: “Anh ấy đi được 7 tháng, tôi mới nhận được 4 tháng lương của chồng. Anh ấy về chúng tôi mới biết là cuộc sống của anh ấy vất vả”. Trở về và đoàn tụ với gia đình, tất cả các thuyền viên đều rất vui mừng, và họ cũng có mong muốn được công ty trả hết số lương còn nợ và số tiền đặt cọc còn giữ lại. Anh Trung chia sẻ: “Suốt 14 tháng đi làm bên đó, tôi còn 2 tháng lương, 1.400 USD tiền tiêu vặt trong thời gian đi và thêm 5 triệu đồng tiền đặt cọc, anh Dương còn 4 tháng tiền lương nữa nên tôi rất muốn công ty tạo điều kiện trả lại cho chúng tôi”.