Vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức: Các nạn nhân được tiêm cùng loại thuốc gây mê

ANTD.VN - Trưa nay, 26-12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức sáng 25-12. Bà Hà khẳng định, lô thuốc gây mê sử dụng cho 2 nạn nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và an toàn.
Trưa nay, 26-12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức sáng 25-12. Bà Hà khẳng định, lô thuốc gây mê sử dụng cho 2 nạn nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và an toàn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trả lời báo chí trưa 26-12

Trả lời câu hỏi liệu chất lượng thuốc gây mê cho hai bệnh nhân tử vong có vấn đề? Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, ngay sau khi xảy ra sự cố, đoàn cán bộ của Sở Y tế đã có mặt tại Bệnh viện Trí Đức, cùng phối hợp với cơ quan công an để làm việc. Theo báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến.

“Sở Y tế đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê trên, xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện” – bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Với nghi vấn đặt ra về việc công tác bảo quản thuốc có thể không đảm bảo, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại Bệnh viện Trí Đức. Kết quả cho thấy điều kiện đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc. Toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện cũng đã được niêm phong.

Trước câu hỏi tại sao sau khi đã xảy ra một ca tai biến sau tiêm thuốc gây mê thì vẫn trong buổi sáng đó Bệnh viện Trí Đức lại tiếp tục sử dụng cùng loại thuốc gây mê này để tiêm cho bệnh nhân thứ 2, dẫn đến 2 ca tử vong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xác nhận, đúng là cả 2 nạn nhân tử vong đều được sử dụng cùng một loại thuốc gây mê.

Tuy nhiên, đây là 2 ca phẫu thuật được thực hiện gần như song song, tại 2 phòng mổ, với 2 kíp mổ khác nhau. Không có chuyện ca mổ trước xảy ra tai biến rồi, ca mổ sau mới bắt đầu. Hiện cơ quan công an đã làm việc với 2 bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy lời tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc.

“Cả 2 bệnh nhân được thực hiện tiền mê tại Bệnh viện Trí Đức cách nhau 20 phút. Sau tiền mê 30 giây bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp, lú lẫn, lơ mơ. Thuốc bệnh nhân sử dụng là giống nhau, chỉ khác nhau liều lượng. Bệnh nhân xuất hiện cùng triệu chứng huyết áp tụt. Để tìm ra nguyên nhân vụ việc, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Trí Đức rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân” – bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Vẫn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua đánh giá ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán 2 nạn nhân tử vong là do sốc phản vệ. Tuy nhiên, đó chỉ là những nghi vấn ban đầu, còn kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào khám nghiệm tử thi của 2 bệnh nhân. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám nghiệm tử thi, làm pháp y với hai bệnh nhân này và sẽ có kết quả sau 4 tuần.

Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã ký quyết định đình chỉ hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật có liên quan đến sử dụng thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Sở Y tế cũng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn của ngành để xem xét đánh giá vụ việc.

2 ca tử vong sau gây mê trong cùng 1 buổi sáng tại Bệnh viện Trí Đức

Cũng liên quan đến vụ 2 bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức sáng 25-12, trao đổi với báo chí, PGS.TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho rằng, bất cứ trường hợp nào gặp sốc phản vệ đều phải được tìm hiểu rõ nguyên nhân. Trong gây mê, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo PGS.TS Công Quyết Thắng, một kíp gây mê bao giờ cùng gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê. Điều dưỡng phụ mê là người chịu trách nhiệm toàn bộ về phương tiện, dụng cụ, thuốc men và đường truyền, máy theo dõi để phụ giúp cho bác sĩ gây mê. Còn bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, tức các quyết định về kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh.

Trước khi bước vào phòng phẫu thuật để tiến hành gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân trước mê, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Các thăm khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm là bắt buộc. Tất cả liên quan đến chức năng sống của bệnh nhân đều phải được thăm khám, thăm dò và tìm hiểu một cách kỹ càng.

“Sốc phản vệ là điều bác sĩ luôn phải nghĩ tới. Tai biến, sốc phản vệ có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh, bao gồm thuốc men, vaccine. Trong nghề của chúng tôi, sốc phản vệ được xem là một cái gì đó đầu tay, đòi hỏi bác sĩ luôn phải sẵn sàng để đối phó với nó vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào” – PGS Công Quyết Thắng chia sẻ.