“Vòng xoáy” giá cả

(ANTĐ) - Khi kinh tế tăng trưởng tất yếu phải đối mặt với lạm phát và đây là một trong những thách thức của nước ta. Cách thức giải quyết lạm phát vừa được thực hiện với quyết định của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Đây là bước giảm giá VND khá mạnh, kéo đồng nội tệ về gần giá trị thực so sánh với USD và là bước giảm giá mạnh nhất trong vài năm qua. Động thái này củng cố niềm tin vào ổn định vĩ mô năm 2011. Song nó cũng làm tăng áp lực tăng giá cả hàng hóa trong nước.

“Vòng xoáy” giá cả

(ANTĐ) - Khi kinh tế tăng trưởng tất yếu phải đối mặt với lạm phát và đây là một trong những thách thức của nước ta. Cách thức giải quyết lạm phát vừa được thực hiện với quyết định của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Đây là bước giảm giá VND khá mạnh, kéo đồng nội tệ về gần giá trị thực so sánh với USD và là bước giảm giá mạnh nhất trong vài năm qua. Động thái này củng cố niềm tin vào ổn định vĩ mô năm 2011. Song nó cũng làm tăng áp lực tăng giá cả hàng hóa trong nước.

Ngay sau quyết định điều chỉnh tỷ giá, nhiều mặt hàng như gas, xe máy, ô tô đã tăng giá. Nhiều loại thực phẩm, phân bón cũng được dự báo tăng giá trong tháng 2. Các chuyên gia dự báo, một “vòng xoáy” tăng giá mới sẽ xuất hiện nếu giá điện, than cũng được điều chỉnh từ ngày 1-3 tới. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp đã “chịu đựng” mức tỷ giá thực tế, tính theo giá mới được điều chỉnh từ lâu cho nên biến động giá sẽ không nhiều.

Theo ông, việc điều chỉnh này là cần thiết vì không thể giữ mãi tỷ giá như trước đây. Ý kiến một số chuyên gia dự báo nhiều mặt hàng sẽ tăng giá từ cuối tháng 2 trở đi. Nếu giá điện và giá than cũng được điều chỉnh tăng từ tháng 3 tới thì một “vòng xoáy” tăng giá mới như cách đây hai năm sẽ diễn ra. Hiện đã có 5 phương án tăng giá điện được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xây dựng để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Theo tính toán của các chuyên gia ngành điện, với diễn biến bất lợi về thủy văn và phải huy động các nguồn phát điện như năm 2010, nếu được tính đầy đủ các chi phí sản xuất và đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành điện, thì giá điện sẽ phải tăng 50% so với hiện nay.

Đây cũng là mức được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ hối cuối năm 2010. Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra, kể từ năm 2011, Chính phủ cần phải tăng giá điện ở mức 1.655 đồng/kWh, mức giá này vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách nhận xét, trong bối cảnh hiện nay, giá điện tăng như mong muốn của ngành điện là khó khả thi do ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác như sắt thép, phân bón, xi măng, dệt may, chế biến xuất khẩu. Việc tăng giá điện cần theo lộ trình, nếu buộc phải tăng thì mức tăng 18%, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 0,54-0,72% là chấp nhận được trong ngắn hạn vì không gây biến động lớn cho kinh tế vĩ mô. Việc điều chỉnh giá điện đương nhiên sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tới mức tăng giá chung.

Vì thế, nếu chia nhỏ các đợt tăng giá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và “khuếch đại” việc tăng giá các mặt hàng khác. Theo tính toán kỹ thuật đơn thuần không có yếu tố tâm lý, tăng giá điện 18% chỉ làm tăng 1-2% mức tăng giá chung. Kết quả nghiên cứu tác động tâm lý của việc tăng giá điện đối với nền kinh tế và đời sống người dân cho thấy, nếu giá điện tiêu dùng tăng 20%, điện cho sản xuất tăng 10% thì GDP giảm 0,15% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,73%. Còn nếu giá điện cả hai khu vực đều tăng 20% thì GDP giảm 0,16% và chỉ số CPI tăng 1,25%.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu điện, than, xăng dầu cùng tăng giá, khó tránh khỏi hiệu ứng đẩy các mặt hàng, dịch vụ tăng giá theo “vòng xoáy” giá cả. Thế nhưng, việc tăng giá điện, than, nguồn “thực phẩm” của nhiều ngành kinh tế là bất khả kháng, cho nên tăng ở mức nào để không gây sốc là điều cần cân nhắc. Tăng giá là bắt buộc nhưng cũng phải tăng tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng hiệu quả quản lý để giảm giá thành sản phẩm.

Đan Thanh