Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20

ANTĐ - Nhà thơ Daghextan nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật sâu sắc, khi ông cho rằng, nếu muốn biết một dân tộc như thế nào, thì hãy tìm hiểu về những danh nhân của họ. Các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi chính là tấm “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Có lần, đoàn đại biểu Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới vừa xuất hiện thì bỗng nhiên những tiếng hô nồng nhiệt của một biển người trên hành tinh vang dội: "Hồ Chí Minh - Giáp Giáp! Hồ Chí Minh - Giáp Giáp!" Đối với thế giới, hai cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. Cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh…, cái tên của Đại tướng cũng đã trở thành tấm giấy thông hành để dân tộc ta kiêu hãnh bước ra thế giới.

“The Diplomat”, Tạp chí chuyên về chính trị châu Á của Nhật đánh giá trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, là "một chiến thắng thay đổi lịch sử", "cổ vũ cho các cuộc đấu tranh chống thực dân trên khắp hành tinh".

Tạp chí này còn cho biết, nhiều năm sau, các nhà lãnh đạo khắp thế giới, khi tới thăm Việt Nam vẫn xếp hàng để được gặp ông, trong đó có Tổng thống Brazil Lula da Silva, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hoặc nhà lãnh đạo Nam Phi Thabo Mbeki…

Trong lịch sử thế giới có rất nhiều tướng giỏi nhưng không phải ai cũng được nhân dân nước mình tôn thờ và thế giới kính trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, mà con người và nhân cách của ông đã được rất nhiều học giả, quan chức quân sự, kể cả những người đã từng là đối thủ vô cùng ngưỡng mộ. Điều đó xuất phát từ đâu? Câu trả lời có lẽ nằm trong câu nói của ông với nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Vừa rồi tôi có đọc cuốn hồi ký của anh Trà… Trong đó có một câu làm tôi rất xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính. Anh ấy là người rất hiểu tôi...”.

Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 1

Đại tướng ra đi là một mất mát lớn của dân tộc Việt Nam


Vị tướng huyền thoại, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: làm Tướng phải có đủ Nhân-Nghĩa-Trí-Dũng-Tín. Mỗi một vị tướng, chỉ cần có được 1 hay 2 yếu tố này cũng đã được vinh danh, nhưng ở ông, người ta thấy hội tụ tất cả những yếu tố trên, trong đó, cái cốt lõi của nhân cách Võ Nguyên Giáp nằm ở cái chữ NHÂN. Chính bởi cái NHÂN này của Đại tướng, mà ông được chính những bại tướng của mình từ kinh sợ chuyển sang nể trọng, rồi kính phục ông lúc nào không hay.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chậm, thắng chắc”. Một quyết định mà theo Giáo sư Phan Huy Lê, nó đã trở thành nhân tố làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Một quyết định mà theo Đại tướng Lê Trọng Tấn, nếu Đại tướng Tổng tư lệnh không quyết đoán đưa ra, thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên rồi.

Quyết định đó không chỉ là kết quả của “11 ngày đêm trăn trở” của Ông. Theo Thiếu tướng Lê Phi Long, kể từ tháng 5-1953 sau trận Nà Sản, Đại tướng đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu 24 người nằm trong rừng lim khu căn cứ Định Hóa để “chuẩn bị lý luận đánh tập đoàn cứ điểm”. Nếu Đại tướng không phải là người biết trân trọng xương máu của binh lính, thì đã không có quyết định lịch sử là thay đổi cách đánh và kéo pháo ra.  

Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 2

Người lính già ngồi trên chiếc xe lăn được lực lượng cảnh vệ hỗ trợ vào viếng Đại tướng


Đại tướng là người rất thận trọng. Trong trận Điện Biên Phủ, ông là Đại tướng Tổng tư lệnh, nhưng nắm chắc quân tình đến từng đại đội một. Nghĩa là ngay một đại đội trưởng dưới cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong.

Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu, trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em rút ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công.

Thật bất ngờ khi một vị tướng huyền thoại, “bách chiến, bách thắng”, mà khi lâm trận, ông lại quan tâm trước nhất là chuyện “rút lui”. Bí kíp giành thắng lợi của ông là thế chăng? Và ta cũng lại bất ngờ nữa khi biết, có trận thắng vang dội, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy, vì mất nhiều lính quá. Nhiều khi cứ úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Những điều ấy thì không phải ai cũng biết được.

Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 3

Ông Giàng Seo Phả, cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ, người dân tộc Mông lặn lội xuống Hà Nội, viếng Đại tướng

“Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình và mình cũng chưa kịp biết là ở đơn vị nào...”(Võ Nguyên Giáp - Hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”).

Các vị tướng thuộc quyền ông cũng thấm nhuần tư tưởng yêu thương binh sĩ như con của của người “Anh cả”. Thiếu tuớng Nguyễn Chuông, Tư lệnh Quân đoàn 29, một trong những người lính quả cảm của Đại tướng, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, ông đã dành một khoảng đất để xây một cái miếu ngay ở trước cửa nhà để ông thờ lính.

Ông tâm sự với đồng đội: “Các em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho tý đất đây, anh lập cái am này để các em về đây quây quần với anh”. Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27/7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông.

Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 4

Những em bé được bố mẹ đưa đến viếng Đại tướng


Suốt cả cuộc đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chối kể về mình. Những trang hồi ký của ông toàn bộ là những câu chuyện về Đảng, về Bác và cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân. Đó là một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt của một vị tướng.

Còn về bản thân mình, ông nói: “Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác Hồ, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...”. Ông vốn là một người rất đỗi khiêm nhường. Ông chỉ mong ước, nếu có sức lực và có điều kiện, ông muốn được trở lại những vùng chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung với ông một cái chăn rách.

Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ Lady Borton, cũng là dịch giả 3 cuốn sách nổi tiếng của Đại tướng là: cuốn “Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư, hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” và cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - có một kết luận: “Vị Đại tướng của Việt Nam là một con người từ nhân dân mà ra. Ông ấy luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý: có dân là có tất cả. Những chiến công lịch sử gắn liền với tên tuổi của ông ấy không thể có được nếu không có nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông".

Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 5

Con đường Hoàng Diệu ngày thường vốn tĩnh lặng, bỗng nhiên hai hôm nay đông bất thường, người đến viếng không còn chỗ để xe máy


Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nhớ mãi câu chuyện ông gặp một ông già bản trên đường vào Mường Phăng. Ông già hồ hởi: “Chuyện Đại tướng chứ gì? Đại tướng thì tôi biết. Tôi cũng đã mấy lần gặp Đại tướng rồi. Vùng này là quê của Đại tướng đấy. Năm nọ Đại tướng có về quê. Đại tướng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng tôi đấy. Nhà Đại tướng ở chỗ kia kìa...”.

Nói rồi, ông già chỉ lên núi Mường Phăng. Một dải rừng xanh um giữa mênh mông đồi trọc. Ở Điện Biên và cả mấy vùng lân cận, rừng đã bị chặt phá rất nhiều nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm, rậm rạp như rừng nguyên sinh. Dưới những tầng cây ấy, chim rừng hót ríu ran, không một cành cây nào bị chặt phá hay bị bẻ gãy. Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng. Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng”. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông.

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, câu nói ấy không đúng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với các vị tướng trận - vốn bị người đời cho là xây thành công trên xương máu quân sĩ - được binh lính và nhân dân tôn thờ là một hạnh phúc lớn lao, không dễ ai có được. Đó chính là quả ngọt được vun trồng từ sự thương yêu nhân dân, trân trọng từng giọt máu chiến sĩ của Đại tướng. Chỉ có những vị Nhân tướng mới được người dân tôn sùng và phong “Thánh” ngay khi vẫn còn sống.