“Vỡ mộng” đổi đời

ANTĐ - Đi xuất khẩu lao động không còn là chuyện lạ, nó còn là lựa chọn của nhiều lao động vùng quê nghèo khi nghĩ đến chuyện làm ăn. Thế nhưng, bên cạnh nhiều lao động trở về với số vốn kha khá để làm kinh tế thì còn những người trắng tay, thậm chí sống bất hợp pháp, làm việc chui tại nước ngoài.

Thực sự, xuất khẩu lao động nhìn chung không phải là “miếng bánh ngon” như nhiều doanh nghiệp “vẽ” ra. Viễn cảnh sang nước ngoài, đứng làm việc bên máy móc hiện đại, nhàn mà lương cao, lương làm thêm ngày nghỉ cao hơn ngày thường, chế độ thưởng hậu hĩnh, đó là doanh nghiệp khi mời lao động ký hợp đồng.

Thế nhưng, khi đặt chân lên xứ lạ, người lao động mới ngã ngửa. Trái ngược hẳn với những quảng cáo, cam kết ban đầu. Một số thị trường thì thời tiết khắc nghiệt không thấy nhắc đến nhiều. Một số nghề xây dựng trèo cao vác nặng không khác gì Việt Nam, thậm chí hỏng thì số tiền đền cao hơn cả tháng lương. Mang tiếng đi làm ở miền đất hứa nhưng lại là vùng sâu xa, làm cả ngày không gặp bóng người… Không hẳn lao động Việt Nam không làm được những công việc như vậy nhưng họ bị “sốc” so với cam kết, quảng cáo của doanh nghiệp. Nhiều lao động khi về nước khẳng định, biết thực tế như vậy họ sẽ không bỏ tiền bạc, công sức để đi.

Có thể nói, từ lâu nay thông tin công khai trung thực, chi tiết về chi phí đi xuất khẩu lao động, chi tiết cụ thể về thị trường lao động, ngành nghề… cho người lao động đối với nhiều thị trường chưa được đề cập nhiều. Tệ hại hơn, đó là “viễn cảnh” mà nhiều doanh nghiệp “vẽ” ra cho người lao động khiến không ít người vỡ mộng, không lượng được sức mình, lỡ bước đi… khó trở về bởi nợ nần.

 Xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn, vừa tạo thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho lao động ở nhiều vùng quê, vừa đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, thông tin cần phải được rõ ràng, minh bạch, đầy đủ tránh quảng cáo thái quá dẫn đến tình trạng “vỡ mộng” của nhiều lao động như hiện nay.