Vợ chồng trẻ con

ANTĐ -Khi "thằng chồng con vợ” lên xe máy lao đi, bà mẹ quay vào bế thằng cháu ngoại và nựng nó: "Không biết tao chết đi, ai sẽ nuôi bố mẹ mày đây cháu ơi?".

"Con này học thì ngu, nhưng yêu thì giỏi!". Đó là nhận xét của các bạn cùng lớp với cô bé tên Hương. Nhà Hương không giàu, nhưng là "út ít", nên bố mẹ và các anh trai chiều chuộng. Ngay từ hồi học cấp hai, cha mẹ Hương đã khổ sở vì cô giáo chủ nhiệm gọi lên mấy lần để trao đổi về chuyện: "Cháu học thì kém, nhưng đã sớm có nhiều bạn trai". Buổi tối cha mẹ liên tục phải nghe những cuộc điện thoại kiểu: "Bác cho cháu gặp Hương", "Hương đâu bác?" "Hương à?". Thế còn may chứ nhiều bạn trai gọi đến, nghe tiếng bố mẹ Hương thừa máy, họ cúp máy "rụp một cái", khiến cha mẹ cô phát điên.

Tình trạng "học dốt yêu giỏi" của Hương lên đến đỉnh khi cô học lớp 11. Tình yêu say đắm đã xui khiến cô bỏ nhà, bỏ học, theo tiếng gọi trái tim mất mấy ngày, khiến gia đình cô lo lắng, tổ chức nhiều cuộc họp "liên tịch" bàn về vấn đề của Hương. Cuối cùng cả nhà kết luận "không học nữa thì lấy chồng".

 

Tưởng cho con lấy chồng để mình yên thân. Ai ngờ, bây giờ bố mẹ Hương lại phải "bồng cháu ngoại" suốt ngày để “bố mẹ nó" còn đi chơi với nhóm bạn cũ. Buổi tối, "thằng chồng con vợ" lao về, ăn lấy ăn để, cãi nhau chí choé vì không thống nhất được chuyện "ai rửa bát". "Con vợ" chìa tay cười nhăn nhở với mẹ: "Mẹ cho con mấy chục". Thấy mẹ vợ cho vợ mình tiền, "thằng chồng" lao đến: "Mẹ ơi, thế còn con mẹ không cho à?”.

Bất lực vì chuyện giáo dục con trai, ông bà Xuân nghe người ta "xui khôn xui dại" rằng "cứ lấy vợ cho nó, vợ chồng nó bảo ban nhau, quản lý nhau, mình đỡ khổ". Thế là chỉ nửa tháng ông bà đã lên chức "bố mẹ chồng" và chưa đầy năm sau ông bà đã có "cháu bế".

Nhưng giờ đây với số tiền lương hưu, ít lãi tiết kiệm, ông bà phải nuôi cả 5 miệng ăn. "Thằng chồng" đã là bố trẻ con, nhưng không hơn trẻ con là mấy. Học hành ít, sức khoẻ "không bằng ai", nhưng nó sớm có "tư cách con nhà giàu". Năm lần bẩy lượt, bà con họ hàng thương tình giới thiệu việc làm cho nó thì việc gì nó cũng chê. Làm bảo vệ, nó bảo lương ít. Phục vụ nhà hàng, quán ăn, nó bảo "cháu thế này mà phải đi bưng bê hầu thiên hạ à? Còn lâu". Có người nhận nó vào trông cửa hàng internet thì được ba hôm người ta đuổi việc vì nó cũng lao vào "ôm một máy" đề chơi game, chẳng trông coi, chăm sóc khách hàng, đến nỗi khách chơi xong, đứng dậy ra về, không trả tiền, nó cũng không biết!

Thế là, tuy có vợ con, nó vẫn còn ăn bám bố mẹ. Bây giờ nó đi suốt ngày, hỏi đi đâu, nó bảo "đi có việc". Không biết nó làm ăn gì, chỉ thấy thỉnh thoảng "con vợ" khóc bù lu bù loa: "Tiền đâu mà đưa? Hỏi bố mẹ mà xin, đây không có". Cũng tội, con vợ cũng chỉ nhì nhằng trông cửa hàng giúp bà chị gái, mỗi tháng được trả hơn triệu bạc, nhưng: "Nó còn trẻ, chi tiêu không tính toán, nên có bao giờ đưa được đồng nào về cho bố mẹ đâu. Đến một hộp sữa nuôi con, cũng chưa bao giờ có".

Từ khi "cậu quý tử" lấy vợ, gia đình bà Xuân cứ rối như canh hẹ. Không phải chỉ vì ông bà phải nuôi báo cô thêm ba miệng ăn của cái gia đình trẻ ấy, mà còn đau đầu vì chuyện vợ chồng xích mích, cãi nhau, khóc lóc. Có nhiều lần "thằng chồng con vợ” còn đánh nhau. Thằng chồng xông vào tát con vợ, con vợ chẳng vừa, vớ cái bàn là đang nóng "làm một nhát" vào mặt chồng. Hậu quả bây giờ là vết sẹo trên mặt "thằng chồng", ai trông cũng bảo "Chí Phèo sống dậy cũng phải gọi nó bằng cụ!". Những nỗi lo chưa hết, bởi bà Xuân thấy: "Hình như cháu nội bà sắp có em rồi".

Hôm chồng ốm, bà Xuân bảo chồng: "Ông cố mà thuốc thang cho chóng khỏi, tôi với ông mà chết bây giờ, con cháu ra đứng đường cả lũ ông ạ!”

Không ít bạn trẻ, kể cả những người cha người mẹ đã không ý thức được rằng lấy vợ, lấy chồng là chuyện dễ, nhưng để có cuốc sống vợ chồng hạnh phúc lại khó hơn nhiều. Chính vì thế khi bất lực với việc giáo dục con trai, con gái chạ mẹ nghĩ ngay đến việc cho con cái lấy vợ lấy chồng để "yên ổn" là "đâu vào đấy”. Hai câu chuyện trên đã phần nào nói lên bi kịch của những gia đình có "vợ chồng trẻ…ranh”.