Visa, MasterCard tăng phí và bài toán phát triển thẻ tín dụng nội địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng Việt đã nhiều lần kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm gánh nặng phí đối với giao dịch thẻ tín dụng, song các loại phí vẫn chưa ngừng tăng. Trong bối cảnh này, phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ là hướng mở cần tính tới.

Phí chồng phí, người tiêu dùng gánh chịu

Thẻ tín dụng đang có mức tăng trưởng ấn tượng, các ngân hàng cũng đang “chạy đua” mở thẻ tín dụng cho khách với hàng loạt chương trình miễn, giảm các loại phí, miễn lãi trong thời gian 45 - 55 ngày, chiết khấu khi thanh toán, điểm thưởng, hoàn tiền (cash back)… Thu nhập từ phí, dịch vụ của các ngân hàng cũng ngày càng gia tăng, một phần do sự tăng trưởng của phân khúc thẻ tín dụng này. Dù vậy, theo phản ánh của các ngân hàng, thẻ tín dụng tại Việt Nam đang chịu rất nhiều loại phí từ các tổ chức thẻ quốc tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn, chia làm 3 nhóm chính: Phí áp dụng cho mảng phát hành; Phí áp dụng cho mảng thanh toán và các phí thu khác (liên quan đến hệ thống và các giao dịch tra soát). Trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại. Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của Visa và MasterCard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (khoảng 5.000 tỉ đồng/năm). Trong đó, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng, tổ chức thẻ quốc tế vừa thu theo số lượng giao dịch và vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với một giao dịch…

Thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây

Thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây

Không chỉ vậy, đối với chính sách thu phí không tuân thủ, trường hợp ngân hàng thành viên không đáp ứng được tỷ lệ tuân thủ tối thiểu của các tổ chức thẻ quốc tế sẽ phải trả một khoản phí phạt. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp 2 năm qua, doanh số giao dịch giảm mạnh, khiến áp lực tuân thủ là rất lớn với các ngân hàng Việt. Trước áp lực này, các ngân hàng Việt đã ít nhất 2 lần kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm các loại phí, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngân hàng phải thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, các kiến nghị này đều rơi vào im lặng. Không những vậy, dự kiến vào tháng sau, Visa và MasterCard sẽ thực hiện một đợt tăng phí mới đối với các giao dịch mua sắm online của các nhà bán hàng lớn (đơn vị chấp nhận thẻ). Phần lớn mức tăng đến từ mức phí trao đổi (interchange fee). Đây là lượng phí do các tổ chức cung cấp thẻ đặt ra mà bên bán hàng phải trả khi họ chấp nhận cho người mua thanh toán bằng thẻ tín dụng. Phí này sau đó sẽ chuyển về ngân hàng phát hành thẻ. Được biết, kế hoạch tăng phí này đã được các tổ chức thẻ quốc tế tạm hoãn 2 năm vì tình hình đại dịch Covid-19.

Như đã nêu trên, mỗi thẻ tín dụng hiện nay đang chịu rất nhiều loại phí khác nhau. Trong khi đó, các ngân hàng lại duy trì nhiều chính sách miễn, giảm phí, miễn lãi, thưởng điểm, chiết khấu, hoàn tiền để thu hút khách hàng. Vậy nguồn thu của các ngân hàng từ dịch vụ thẻ tín dụng đến từ đâu? Tất nhiên, các ngân hàng sẽ chẳng bao giờ chịu lỗ. Câu trả lời là khách hàng, bằng cách này hay cách khác, sẽ phải chi trả các khoản này.

Câu chuyện thành công từ việc phát triển thẻ tín dụng nội địa từ một số thị trường quốc tế sẽ là niềm cảm hứng cho các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam. Từ đó, tổ chức phát hành thẻ sẽ có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước để phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, với mỗi giao dịch thẻ tín dụng, bên bán sẽ phải chấp nhận trả các chi phí xử lý giao dịch, phí interchange (thường từ 1 - 1,3% giá trị giao dịch, hoặc doanh số tại Việt Nam). Mức phí này cuối cùng sẽ được nhà bán hàng tính vào giá thành sản phẩm, hoặc thu thêm từ khách hàng. Không chỉ vậy, khi quá thời hạn miễn lãi (45 - 55 ngày), khách hàng sẽ phải chịu lãi suất rất cao, thậm chí là chịu lãi phạt lên đến hàng chục %/tháng nếu không thanh toán đúng hạn. Nguồn lãi suất này chính là nguồn thu chính cho phía ngân hàng.

Thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa có phải một lời giải?

Dù vậy, thẻ tín dụng vẫn là xu hướng tất yếu trong hoạt động tiêu dùng, thanh toán. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220.000 tỉ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thẻ và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc.

Các con số trên có sự tăng trưởng đáng kể, song so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Còn theo báo cáo nghiên cứu hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của Công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46%. Tiềm năng phát triển với thị trường thẻ tín dụng rất cao với số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34% trong khảo sát trên.

Dù vậy, các số liệu trên chủ yếu đang thuộc về các tổ chức thẻ quốc tế. Hiện nay, có 7 tổ chức thẻ tham gia vào thị trường thẻ tín dụng Việt Nam, trong đó có tới 6 tổ chức thẻ quốc tế, bao gồm: Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services. Tổ chức thẻ đến từ Việt Nam chỉ duy có NAPAS. Năm 2021, lần đầu tiên NAPAS đã phối hợp với 6 ngân hàng thương mại (VietinBank, Sacombank, ACB, HDBank, BaoViet Bank, Viet Capital Bank) và một công ty tài chính (VietCredit) phát hành thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng. Tính đến nay, con số này đã tăng lên 13 ngân hàng và công ty tài chính tham gia với những ngân hàng có thị phần lớn.

Theo ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng Giám đốc NAPAS, hiện nay, bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS đang phối hợp với các tổ chức phát hành các loại thẻ mới như: Thẻ đa ứng dụng (thẻ 1 chíp chứa nhiều ứng dụng bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng…) như thẻ Lộc Việt của Agribank; Thẻ kép (thẻ gồm 2 chíp, 1 chíp dùng cho thanh toán bằng tính năng tín dụng - Credit, 1 chíp dùng cho tính năng ghi nợ - Debit) như thẻ 2Card của VietinBank; Thẻ đồng thương hiệu (Vietcapital Bank Shop On)…

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 31-12-2021, Việt Nam có 12/46 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Dù số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm trong giai đoạn 2017-2021, song so với 6,5 triệu thẻ đang lưu hành thì là rất nhỏ bé.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, trong thời gian sắp tới, NAPAS tiếp tục mở rộng các tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. “NAPAS kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng tham gia phát hành hơn và tín dụng tiêu dùng nội địa sẽ thêm phổ biến” - lãnh đạo NAPAS chia sẻ.

Còn ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng - Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích, tiềm năng cho toàn nền kinh tế. Trong đó, thẻ tín dụng nội địa có nhiều ưu đãi, tính năng hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 - 55 ngày, được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chíp ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ.

Cùng với đó, thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…), đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể rẻ hơn cho đơn vị chấp nhận thẻ… Thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

“NHNN kỳ vọng từ câu chuyện thành công từ việc phát triển thẻ tín dụng nội địa từ một số thị trường quốc tế sẽ là niềm cảm hứng cho các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam. Từ đó, tổ chức phát hành thẻ sẽ có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước để phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp” - ông Lê Văn Tuyên nói.