Visa và MasterCard sắp tăng phí đối với giao dịch thẻ tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kế hoạch tăng phí đối với giao dịch thẻ tín dụng đã được hoãn lại 2 năm nay vì đại dịch Covid-19, dự kiến sẽ được Visa và MasterCard triển khai vào tháng sau.

Sẽ tăng phí từ tháng 4/2022

Theo Wall Street Journal, Visa và MasterCard - hai công ty cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng hàng đầu thế giới - đang sẵn sàng cho đợt tăng mức phí thẻ mà nhiều bên bán hàng lớn phải trả khi họ chấp nhận thanh toán từ thẻ tín dụng của khách hàng. Trước đó, kế hoạch tăng phí đã tạm hoãn 2 năm vì tình hình đại dịch Covid-19.

Phần lớn mức tăng đến từ mức phí trao đổi (interchange fee). Đây là lượng phí do các tổ chức cung cấp thẻ đặt ra mà bên bán hàng phải trả khi họ chấp nhận cho người mua thanh toán bằng thẻ tín dụng. Phí này sau đó sẽ chuyển về ngân hàng phát hành thẻ.

Theo nguồn tin, việc tăng phí sẽ được Visa và MasterCard áp dụng cho các khoản mua sắm online thanh toán bằng thẻ tín dụng. Theo báo cáo, nhiều bên bán hàng đã bắt đầu tính thêm phí người tiêu dùng khi họ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Visa và Mastercard cho rằng việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ đã giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

“Thanh toán điện tử đã được chứng minh là có giá trị hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy các thương gia khuyến khích khách hàng của họ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử do giá trị đáng kể mà họ nhận lại” – người phát ngôn của MasterCard cho biết.

Phía MasterCard cũng cho biết công ty sẽ giảm chi phí cho một số thương nhân nhỏ, cũng như khách sạn và cơ sở giữ trẻ và một số ngành khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch...

Trong khi đó, phát ngôn viên của Visa cho biết, người bán có thể tránh được mức phí tăng thêm này nếu họ cung cấp một số dữ liệu giao dịch nhất định và sử dụng dịch vụ xác nhận đăng nhập (token service) giúp bảo mật số thẻ.

Ngân hàng Việt "than trời" vì gánh nặng phí

Tại Việt Nam, các ngân hàng đã nhiều lần kiến nghị Visa và MasterCard giảm phí. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện nay cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn, chia làm 3 nhóm chính: Phí áp dụng cho mảng phát hành; Phí áp dụng cho mảng thanh toán; và các phí thu khác (liên quan đến hệ thống và các giao dịch tra soát).

Trung bình mỗi năm, mỗi tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard thu từ 1 ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại. Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của Visa và MasterCard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm).

Trong đó, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng, tổ chức thẻ quốc tế vừa thu theo số lượng giao dịch và vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với 1 giao dịch…

Không chỉ vậy, đối với chính sách thu phí không tuân thủ, trường hợp ngân hàng thành viên không đáp ứng được tỷ lệ tuân thủ tối thiểu của các tổ chức thẻ quốc tế sẽ phải trả 1 khoản phí phạt...

Do đó, VNBA đề nghị Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí, áp dụng cơ chế thu 1 loại phí đối với 1 giao dịch (chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch).

Chỉ áp dụng 1 mức phí đối với phí xử lý giao dịch rút tiền mặt, không phân biệt theo giá trị giao dịch; Chỉ chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.

Không thu phí phạt đối với trường hợp ngân hàng thành viên không đạt mức báo cáo doanh số quy định; miễn các loại phí phạt không tuân thủ trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...

Về phí xử lý giao dịch; VNBA đề nghị các Visa và MasterCard giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành…

Đối với giao dịch giá trị nhỏ, đề xuất tổng các loại phí (không bao gồm phí interchange fee) thu trên 1 giao dịch theo một mức tỷ lệ % và không quá 0,05% doanh số giao dịch.

Về phí trao đổi (interchange fee), VNBA cũng đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giảm tối thiểu 50% đến miễn phí.