Vietcombank, VPBank, HDBank và MB vừa được cấp thêm room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bốn ngân hàng gồm Vietcombank, VPBank, HDBank và MB vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng năm 2022.

Đây là thông tin vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Theo tính toán của VNDirect, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Theo tính toán, 18 ngân hàng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống theo cập nhật của VNDirect sẽ có tổng tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,6% vào cuối năm sau đợt điều chỉnh này.

"Chúng tôi cho rằng đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì” – các chuyên gia nhận định.

Theo ước tính, VPBank (chỉ tính riêng ngân hàng mẹ) nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng là 27,2%. HDBank và MB dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng lần lượt là 23,5% và 23,2%. Đối với Vietcombank tín dụng cả năm có khả năng đạt tăng trưởng 18,6%.

Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu room tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%

Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu room tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%

Trước đó, khoảng 18 ngân hàng thương mại cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đã tăng thêm hạn mức tín dụng hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Mặc dù hạn mức tín dụng đã được điều chỉnh đối với một số ngân hàng, tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn duy trì ở mức 14%, con số mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao…

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 14%.

"Vừa kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá, nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự nhất quán.

Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực điều chỉnh room tín dụng lên 15-16%, nhưng thực tế cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước kiên định điều hành chính sách là đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Bất kể trong hoàn cảnh nào, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu. Vì nếu như lạm phát không được kiểm soát, nới tín dụng, giảm lãi suất thì chỉ 1 số doanh nghiệp tiếp cận được vốn, còn lạm phát lại tác động đến người dân, nhất là những người dân còn khó khăn, Chính phủ sẽ phải tăng nguồn lực hỗ trợ, gây áp lực đến ngân sách…