Lãi suất liên ngân hàng lập kỷ lục mới, kỳ hạn qua đêm tiến sát mốc 8%/năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, lập đỉnh mới ở mức 7,88%/năm đối với kỳ hạn qua đêm.

Sau khi lập đỉnh 10 năm trong phiên giao dịch ngày 7/9 (lãi suất qua đêm ở mức 6,88%/năm), lãi suất bình quân bằng VND liên ngân hàng tiếp tục lập đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 4/10, với lãi suất qua đêm được ghi nhận ở mức 7,88%/năm (theo số liệu Ngân hàng Nhà nước).

Đối với kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng mức lãi suất lần lượt là 6,43%/năm; 7%/năm và 6,78%/năm…

Lãi suất liên ngân hàng xác nhận mức kỷ lục mới
Lãi suất liên ngân hàng xác nhận mức kỷ lục mới

Như vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã đột ngột tăng rất mạnh, với mức tăng 2,62% đối với kỳ hạn qua đêm; các kỳ hạn dưới 1 tháng còn lại đều tăng trên 1,5%. Còn so với phiên cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng tới gần 3%.

Đây cũng là mức lãi suất cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Dù lãi suất tăng song doanh số giao dịch trên thị trường này lại có xu hướng giảm. Doanh giao dịch kỳ hạn chủ chốt là qua đêm trong phiên ngày 4/10 chỉ đạt trên 156.844 tỷ đồng, giảm gần 82.000 tỷ đồng so với mức 238.722 tỷ đồng trong phiên liền trước; và chỉ bằng khoảng 42% so với phiên cuối tháng 9 (373.355 tỷ đồng).

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến trong những ngày qua cho thấy, thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu tăng cục bộ.

Nguyên nhân được bắt nguồn từ nhịp hút ròng mạnh của nhà điều hành trong 2 tuần liền (ngày 12 - 16/9; và ngày 19 - 23/9), với lượng hút ròng lên tới 88.403 tỷ đồng.

Dù những ngày ngay sau đó (26/9 – 4/10), NHNN đã thực hiện bơm ròng trở lại (với khối lượng bơm ròng khoảng 41.103 tỷ đồng) nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng mạnh.

Cùng với đó, nhu cầu thanh khoản cũng gia tăng ở một số ngân hàng sau khi được nới room tín dụng, dẫn đến thiếu hụt vốn cục bộ.

Ngoài ra, việc duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức cao cũng có thể đến từ định hướng của nhà điều hành nhằm duy trì chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 – 5,5%/năm, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Trên thị trường 1, sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất huy động. Trong đó nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank tăng mạnh ở cả kỳ hạn ngắn lẫn dài, mức tăng từ 50 đến 130 điểm cơ bản.

Các ngân hàng TMCP quy mô từ vừa đến nhỏ, như: MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank… cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động, mức tăng 30-100 điểm cơ bản. Mức lãi suất trên 8%/năm đã xuất hiện ở một số ngân hàng.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã quay về giai đoạn trước Covid-19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động - tín dụng chưa được cải thiện nhiều.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này cho thấy áp lực thanh khoản đang khá lớn, nhất là trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn, trong khi người dân có xu hướng rút tiền nhiều hơn cho các chi tiêu cá nhân và gia đình.

Theo dự báo các chuyên gia BVSC, từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Fed vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong 2 cuộc họp cuối năm. Động thái này sẽ khiến lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.