Ngân hàng đẩy lãi suất lên trên 8%/năm, “cuộc đua” thêm nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên đến 8 – 8,4%/năm, trong khi nhiều nhà băng lại đua tung các chương trình khuyến mại để hút khách.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) vừa thông báo mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm, số tiền chỉ cần từ 10 triệu đồng.

Chứng chỉ tiền gửi Bản Việt được triển khai theo hai hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng. Cụ thể với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 15 tháng. Đặc biệt với kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.

Với sản phẩm này, mặt bằng lãi suất tại VietCapital Bank đã trở lại mức cao nhất mà ngân hàng này áp dụng trước đại dịch.

Đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, hiện nhà băng này đang áp dụng mức cao nhất là 7,5%/năm đối với tiền gửi online, kỳ hạn 24 tháng; Kỳ hạn 12 – 18 tháng là 7,3%/năm.

Trước Bản Việt, mức lãi suất trên 8%/năm cũng ghi nhận ở một vài ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng số Cake by VPBank áp dụng lãi suất cao nhất 8,2%/năm cho khách hàng có số tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng. Với số tiền gửi ít hơn ở kỳ hạn này, lãi suất dao động từ 7,9 – 8,1%/năm.

Nhìn chung, với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, khách hàng gửi tiền tại Cake by VPBank đều được hưởng lãi suất từ 7,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm. Đây là các mức lãi suất khá cạnh tranh trên thị trường.

Cuộc đua lãi suất chưa ngừng nóng lên

Cuộc đua lãi suất chưa ngừng nóng lên

Tại một số ngân hàng khác, cũng có mức lãi suất niêm yết trên 8%/năm nhưng yêu cầu số tiền gửi rất lớn. Chẳng hạn như ABBank thông báo lãi suất 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng – mức lãi cao kỷ lục trên thị trường. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng phải có khoản tiền gửi tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Hay tại Ngân hàng MSB, lãi suất cao nhất theo công bố của nhà băng này cũng lên 8%/năm cho các khoản tiền gửi trực tuyến theo kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Với cùng kỳ hạn và số tiền gửi ít hơn, khách hàng gửi tiền trực tuyến sẽ được áp dụng lãi suất là 7,5%/năm.

MSB cũng là ngân hàng duy trì mức chênh lệch lãi suất tại quầy và trực tuyến rất cao với lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn trên 12 cao nhất chỉ ở mức 5,45%/năm.

Ở mức lãi suất tiệm cận 8%/năm, KienlongBank cũng vừa công bố mức lãi suất cao nhất là 7,9%/năm áp dụng cho gửi tiền online kỳ hạn dài. Với kỳ hạn 6 tháng đến 18 tháng khách hàng cũng được hưởng lãi suất từ 7,3 - 7,8%/năm. Đây là các mức lãi suất cao hơn khoảng 0,3%/năm so với tiền gửi tại quầy.

Tương tự, SeABank cũng áp dụng lãi suất huy động cao nhất đang là 7,85%/năm, dành cho chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng...

Đối với kỳ hạn 12 tháng, theo khảo sát, hiện rất nhiều ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất trên dưới 7%/năm, như HDBank (6,8 - 7,6%/năm); Viet Capital Bank (7 - 7,3%/năm); OCB (6,7 - 7,3%/năm), SCB (7,3%/năm)...

Với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, mặt bằng lãi suất cũng tăng vọt lên 5,8 - 6,6%/năm. Còn tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất lên kịch trần 5%/năm như: ACB, SHB, Techcombank, VPBank, SCB, HDBank...

Dù mức lãi suất huy động theo niêm yết của các ngân hàng đa phần vẫn ở dưới 8%/năm, nhưng theo chia sẻ của nhân viên một ngân hàng đối với các khoản tiền gửi lớn (chẳng hạn trên 5 tỷ đồng), khách hàng có thể được đàm phán để hưởng mức lãi cao hơn.

Riêng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank sau đợt tăng mạnh lãi suất cuối tháng 9 vừa qua thì mặt bằng lãi suất đã tăng thêm khoảng trên dưới 1%/năm. Dù vậy, so với các ngân hàng thương mại cổ phần lãi suất tại các nhà băng này vẫn có khoảng cách khá lớn với mức cao nhất là 6,4%/năm.

Không chỉ tăng lãi suất, nhiều nhà băng còn tung thêm rất nhiều chiêu hút tiền. Chẳng hạn tại Viet Capital Bank, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng, mức gửi từ 50 triệu đồng và tham gia thêm bảo hiểm nhân thọ được cộng lãi suất tới 1%. Hay tại Ngân hàng VIB cũng cộng đến 0,4% lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các gói sản phẩm tại VIB.

Ngoài ra là hàng loạt các chương trình hoàn tiền, quà tặng, tặng tài khoản số đẹp…

Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).

Tại nhiều ngân hàng, LDR (tỷ lệ cho vay/huy động vốn) đã “chạm trần”. Đây có thể là lý do khiến cuộc đua huy động vốn đang nóng dần lên tại các nhà băng.