- Tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 6%, NHNN kỳ vọng đạt mục tiêu nhờ tăng tốc 3 tháng cuối năm
- Liên tục phát hành tín phiếu hút tiền về, Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều chính sách tiền tệ?
- Ngân hàng than “bán tín dụng” trên mọi kênh nhưng vẫn ế vốn
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tiếp tục công bố biểu lãi suất mới, theo đó, các mức lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp tại ngân hàng này chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày qua (lần điều chỉnh lãi suất gần nhất là vào ngày 14/9 vừa qua, với mức giảm 0,1 – 0,3%/năm).
Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, Vietcombank duy trì lãi suất huy động ở mức 3%/năm. Tuy nhiên, với kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng, khách hàng sẽ chỉ còn nhận được lãi suất 3,3%/năm, tương ứng giảm 0,2 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất.
Với kỳ hạn từ 6 tháng đến 9 tháng, mức giảm cũng tương tự, xuống còn 4,3%/năm. Ở kỳ hạn 12 – 60 tháng, lãi suất niêm yết cũng giảm xuống mức 5,3%/năm, từ mức 5,5%/năm trước đó. Đây là mức lãi suất cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng và nếu so với thời điểm trước ngày 14/9, lãi suất tối đa tại Ngân hàng này đã giảm tới 0,5%/năm (từ mức 6,8%/năm).
Vietcombank lại "dẫn sóng" giảm lãi suất |
Như vậy, lãi suất huy động tại Vietcombank đã xuống đến vùng thấp kỷ lục, thấp hơn cả trong giai đoạn Covid-19. Trong suốt thời kỳ đại dịch, lãi suất huy động tối đa mà Ngân hàng này áp dụng cũng ở mức 5,5%/năm.
Ngoài Vietcombank, thời điểm hiện tại 3 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước còn lại vẫn chưa hạ lãi suất. Tuy nhiên, theo thông lệ big 4 ngân hàng có vốn Nhà nước thường “bắt tay nhau” trong các động thái điều chỉnh lãi suất. Do đó, nhiều khả năng 3 ngân hàng còn lại này sẽ điều chỉnh trong một vài ngày tới, kéo mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục sụt giảm.
Việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang dư thừa vốn, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu thời gian qua.
Theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, đến 30/9 vốn huy động ngành ngân hàng tăng trưởng 5,9% (năm ngoái 7,68%), với tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại 12,9 triệu tỷ đồng. Vốn cho vay đạt mức tăng trưởng 6,1-6,2%, tổng dư nợ của nền kinh tế 12,63 triệu tỷ đồng.
Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, dù hạ lãi suất, mong muốn đẩy vốn ra nền kinh tế, song tình trạng thị trường khó khăn khiến các doanh nghiệp co cụm hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến không có nhu cầu vay vốn.
Cùng với đó, thị trường bất động sản đóng băng khiến nhiều khách hàng đẩy mạnh bán “cắt lỗ” để trả nợ ngân hàng; các chủ đầu tư gặp vướng mắc pháp lý… cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.