Ngân hàng than “bán tín dụng” trên mọi kênh nhưng vẫn ế vốn

ANTD.VN - Ngân hàng cho rằng dù rất nỗ lực giảm lãi suất, tìm kiếm khách hàng, song tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch do khách hàng co cụm, không mở rộng sản xuất, kinh doanh, không có nhu cầu vốn.

Vẫn khó ở lãi suất, tài sản thế chấp, thủ tục vay

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đa phần các doanh nghiệp cho rằng thời gian qua ngành ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến DN khó tiếp cận vốn.

Theo đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, kinh tế khó khăn, DN cũng khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu năm lúc DN cần vốn, thì ngân hàng lại thắt chặt tín dụng, chưa kể, lãi suất còn tăng nhẹ, khiến cho DN gặp khó khăn trăm bề.

Sau khi có hội nghị kết nối, những buổi làm việc giữa ngân hàng và DN, vốn đã bắt đầu “thông”, và lãi suất cũng đã được hạ xuống, song DN như người ốm hiện rất khó gượng dậy.

Hiện bên cạnh những DN giải thể, ngừng hoạt động, cũng có những DN mới đang bắt đầu khởi nghiệp, . Vì vậy, đại diện DNNVV đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, DN mới thành lập tiếp cận vốn với điều kiện tốt nhất. Với những DN cũ, đã có uy tín, vị này mong được được tạo điều kiện thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay – điều này giúp DN rút ngắn thời gian vay vốn

Còn đại diện Công ty Nam Thắng thì cho rằng hiện tính trên tỷ suất sinh lời thì lãi suất như hiện nay khiến cho DN không có lãi. Vì vậy, DN này mong muốn được giảm lãi suất để có thể cân đối tài chính.

Ngoài ra, DN này cũng lo ngại mùa vụ cuối năm đang tới gần, nhu cầu vốn tăng lên, trong khi đây là thời điểm DN thường khó khăn trong tiếp cận tín dụng do ngân hàng thường có chủ trương siết room. Vì vậy, DN đề xuất cuối năm không nên hạn chế room để hỗ trợ DN, ngoài ra, cần phải cải cách thủ tục hành chính, tăng vay tín chấp, tăng bảo lãnh.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Trong khi đó, Giám đốc công ty Huyndai Bắc Ninh lại phản ánh vấn đề tài sản thế chấp, thủ tục vay còn gặp khó khăn. Đặc biệt là ngân hàng yêu cầu DN khi vay phải cung cấp báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, trong khi các DNNVV không đáp ứng được.

DN này cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được giảm tiếp lãi suất cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thực hiện đúng các đối tượng.

“Bán tín dụng” trên mọi kênh, nhưng khách vẫn không vay

Chia sẻ với những khó khăn của DN, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng chính ngân hàng cũng đang loay hoay với túi “tiền ế”, mong muốn được đẩy tiền ra nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều DN đang co cụm hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí thu hẹp kinh doanh, nhu cầu vay vốn không có.

Một số khách hàng liên quan đến bất động sản thì phải đẩy mạnh bán sản phẩm để tránh việc phải trả lãi ngân hàng, trong khi đó không bán được.

“Số lượng này chúng tôi đang phải xử lý rất nhiều. Hôm qua chẳng hạn, tôi đã phải ký 11 phiếu xuất kho tài sản bảo đảm, như vậy là đã “đi” mất 11 khách hàng trong 1 ngày, tổng dư nợ khoảng 11 tỷ đồng. Mặc dù chúng tôi làm việc rất tích cực, bán tín dụng trên tất cả các kênh, từ điểm bưu điện xã, tất cả các gói ưu đãi lãi suất, combo tín dụng chúng tôi yêu cầu nhân viên phải “tung lên facebook, zalo... Hiệu ứng truyền thông rất lớn, ai cũng biết, nhưng tăng trưởng tín dụng không đủ bù đắp được tiền trở về ngân hàng” – Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc LPBank Bắc Ninh cho biết.

Ông Sáng cũng cho rằng, hiện nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng không phải ở mức cao, song nhiều trường hợp cả DN và ngân hàng đều phải “lắc đầu”.

“DN khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho cả ngân hàng và DN nếu có vay vốn, vì bản thân DN không có phương án kinh doanh khả thi, vay vốn sẽ lại nợ mới chồng nợ cũ. Nhiều trường hợp, chính cả DN và ngân hàng đều phải “lắc đầu” để đảm bảo không xảy ra rủi ro” – vị đại diện ngân hàng này nói.

Cho rằng để gỡ được vốn, một mình ngân hàng không thể giải quyết được, đại diện BIDV cho rằng cần có sự vào cuộc từ cả 3 bên.

Bà Nguyễn Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc BIDV kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành cần chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường trợ giúp DN mở rộng thị trường,

Với DN, lãnh đạo BIDV đề nghị DN thực hiện các biện pháp tái cấu trúc DN, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN.

Ngoài ra, phải tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho...

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề báo cáo tài chính, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, doanh nghiệp cần minh bạch để tạo lòng tin với tổ chức tín dụng. “Hiện nay có thực trạng các DNNVV có nhiều báo cáo tài chính, báo cáo gửi cơ quan thuế thì lợi nhuận thấp, lỗ nhưng báo cáo gửi ngân hàng thì dòng tiền, lợi nhuận cao hơn. Do đó nhiều trường hợp không tạo được lòng tin với tổ chức tín dụng” – bà Hằng nêu thực trạng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56% (12,6 triệu tỷ đồng). Riêng với Bắc Ninh, tăng trưởng tín dụng đạt 5,8% (cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành), đạt khoảng 154 nghìn tỷ đồng.

Lý giải các nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng gặp khó, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chỉ ra một số nguyên nhân như: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản;

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.