Viết tiếp truyền thống cách mạng anh hùng của lực lượng CAND bằng những chiến công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 19-8-1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như mốc son chói lọi với thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền. Đây đồng thời còn là ngày ra đời của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND luôn là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng CAND, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an, Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân.

- Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, từ những ngày đầu mới thành lập, hình ảnh người chiến sĩ công an cách mạng gần gũi với nhân dân được thể hiện như thế nào?

- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an, Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân: Trong những ngày đấu tranh cách mạng sục sôi giành chính quyền về tay nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã ra đời. Tuy còn non trẻ, nhưng CAND đã dũng cảm dấn thân, lập công xuất sắc bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời cùng hàng vạn người dân tham gia Lễ Tuyên ngôn độc lập. Hình ảnh nhưng chiến sỹ cảnh sát đi xe đạp, ôm súng bảo vệ tại quảng trường Ba Đình, hình ảnh đồng chí Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc bộ cầm ô che cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài đã gây xúc động mạnh về hình ảnh người công an cách mạng.

- Trong những năm đầu xây dựng chính quyền non trẻ, đất nước khó khăn, thù trong giặc ngoài, ngành công an đã có những chiến công nổi bật nào để bảo vệ đất nước?

- Đó là 2 chiến công to lớn. Một là đã dũng cảm, khám phá và đập tan âm mưu của bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Lực lượng công an lúc đó còn mỏng, số đông là anh em trẻ, kinh nghiệm chưa dày dặn nhưng đã dấn thân, sáng tạo lập công xuất sắc phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12-7-1946, truy bắt các đối tượng phản động, bảo vệ thành quả cách mạng trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Chiến công này đã xây dựng được niềm tin của đồng bào Thủ đô nói riêng, toàn quốc nói chung đối với lực lượng công an và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Chiến công thứ hai thuộc về tổ điệp báo A13 của Công an Hà Nội năm 1950. Dưới sự chỉ đạo của Công an Hà Nội và Nha Công an Trung ương, tổ điệp báo A13 đã tổ chức lừa địch đánh đắm chiến hạm Amiodanhvin của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27-9-1950. Nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1911) đã tình nguyện hy sinh để đánh đắm chiến hạm hiện đại nhất của Pháp ở Đông Dương. Đây là chiến công vang dội khiến thực dân Pháp choáng váng, động viên khích lệ quân và dân cả nước tích cực tham gia kháng chiến, tin cậy vào chiến thắng cuối cùng.

- Là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, truyền thống anh hùng của lực lượng CAND đã được các thế hệ viết tiếp ra sao, thưa Thiếu tướng?

- Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, CAND đã trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu, sắc bén, đã phối hợp, hiệp đồng với Quân đội nhân dân và các ngành, các cấp đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tích cực chi viện cho an ninh miền Nam góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu” và chiến thắng ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, CAND đồng cam cộng khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, gắn bó với nhân dân, được sự giúp đỡ của nhân dân đã vươn lên đấu tranh hiệu quả với thế lực thù địch ở bên ngoài câu kết với phản động, chống đối trong nước bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững môi trường hòa bình phục vụ xây dựng và phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. 75 năm qua đã có 409 tập thể, 714 cá nhân CAND được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã minh chứng một phần chiến công vang dội, truyền thống anh hùng, đóng góp to lớn đó.

CAP Trúc Bạch giúp người dân mua nhu yếu phẩm trong đợt cách ly do dịch Covid-19

CAP Trúc Bạch giúp người dân mua nhu yếu phẩm trong đợt cách ly do dịch Covid-19

- Trong thời kinh tế mở cửa, đã có không ít “con sâu” làm sứt mẻ niềm tin trong nhân dân vào lực lượng CAND. Theo ông, ngoài bản lĩnh thép, người chiến sỹ công an còn cần những phẩm chất nào để vượt qua môi trường nhiều cám dỗ như hiện nay?

-Phẩm chất của mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải được bồi dưỡng, rèn giũa, khích lệ qua một quá trình dài trong chiến đấu và công tác. Quan trọng nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Điều này ai đó cho là công thức, sáo mòn, nhưng đây là thực sự cần thiết, quan trọng nhất. Không có tình yêu nghề nghiệp, không có niềm tự hào về ngành công an, không noi gương các anh hùng, liệt sỹ… thì dễ phai nhạt lý tưởng, khó mà dám xông vào nơi khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Cần đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ bản lĩnh trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có trí tuệ và tri thức văn hóa, nghiệp vụ để có thể thoát ra khỏi sự cám dỗ và mua chuộc của cái xấu, cái ác và kẻ địch. Phải chăm sóc, giáo dục, rèn luyện cán bộ chiến sỹ thành những thanh thép quý để không bao giờ có thể bị môi trường xấu bào mòn. Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã dạy chúng ta một câu rất chí lý: “Chủ động tấn công địch, tích cực bảo vệ mình”.

- Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, nhiều hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an tận tụy vì nhân dân đã nhận được nhiều lời khen ngợi và chia sẻ của cộng đồng mạng. Ông có cảm nghĩ gì về điều này?

- Tôi thấy vui không chỉ vì cộng đồng mạng chia sẻ những hình ảnh đẹp ấy với những lời khen ngợi. Điều tôi vui hơn là trong những lúc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, anh em công an đã lao mình vào chỗ khó khăn nhất, sống thật, làm thật với tình cảm thật. Họ hoàn thành nhiệm vụ không phải để dân biết, cộng đồng mạng khen ngợi. Mà cao hơn tất cả là trách nhiệm với dân và nỗi lo lắng để hoàn thành nhiệm vụ. Khi sống với dân thật lòng, thật tình, lặng lẽ làm vì nhiệm vụ thì tất nhiên được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Đó mới là tấm huân chương cao quý nhất. Nhưng những hình ảnh đẹp ấy chưa nhiều trên mạng cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Còn vô số những việc làm tốt, những dấn thân, hy sinh giữa thời bình, những hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an chưa được nhiều người biết tới, chưa được tuyên truyền trên báo chí truyền thông và cộng đồng mạng. Cần có một chiến lược truyền thông trên báo chí và trên cả cộng đồng mạng thì hình ảnh đẹp về cán bộ, chiến sỹ công an mới được đưa đậm nét. Phải nhận thức rằng, qua cách tuyên truyền ấy, chúng ta càng có cơ hội để phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mỗi việc làm tốt, mỗi tấm gương đẹp có tác dụng gấp trăm lần bài diễn văn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!