Việt Nam tích cực, chủ động đóng góp trong hợp tác ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại thành phố Labuan Bajo của Indonesia là hoạt động đối ngoại quan trọng, thể hiện mạnh mẽ thông điệp về Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm trong hợp tác khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 nhằm chủ động tích cực đóng góp cho sự hợp tác trong Hiệp hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 nhằm chủ động tích cực đóng góp cho sự hợp tác trong Hiệp hội

Vì một ASEAN phát triển hòa bình, thịnh vượng và hài hòa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam ngay sau khi tới thành phố du lịch Labuan Bajo của Indonesia vào chiều 9-5 đã bắt đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 và hoạt động liên quan. Trong chương trình công tác dày đặc tại Indonesia lần này, cùng với dự các phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025…

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong đó châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là điểm sáng, song chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng sản xuất, thương mại và đầu tư vẫn thấp; lĩnh vực tài chính tiền tệ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia đặt ở vị trí ưu tiên. Một số nền kinh tế lớn đã chứng tỏ khả năng thích ứng và chống chịu tốt trước biến động, trong đó các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 là dịp để các nhà lãnh đạo trao đổi, định hướng sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức đang đối mặt, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng. Đây cũng là lý do khiến nước chủ tịch ASEAN năm nay - Indonesia chọn chủ đề của năm 2023 là “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng” nhằm phản ánh vai trò của ASEAN trong khu vực, đồng thời nói lên nguyện vọng chung của ASEAN về phát triển hòa bình, thịnh vượng và hài hòa, qua đó trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng trao đổi triển khai những ưu tiên trọng tâm trong năm 2023, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này khẳng định Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; thể hiện ưu tiên của Việt Nam về kết nối hạ tầng chiến lược, chuyên đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, hình ảnh và uy tín của ASEAN, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN; giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực…

Việt Nam đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN 42 một lần nữa cho thấy rõ, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần duy trì sự đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực theo phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm” mà chúng ta đã xác định từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 tới nay. Theo đó, phát huy vai trò là hạt nhân thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar. Nỗ lực này đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Trong đó, có thể kể đến việc góp phần xây dựng và thông qua nhiều văn kiện quan trọng như: Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, các Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN… cùng các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột của Cộng đồng và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, nhất là về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đáng chú ý, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và dẫn dắt ASEAN hoàn thành những văn kiện quan trọng, góp phần định hướng phát triển tương lai của ASEAN, như: Tuyên bố lãnh đạo ASEAN về định hướng Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về gắn kết và chủ động thích ứng…

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam tham gia quá trình xây dựng nguyên tắc, giữ vai trò trung tâm của Hiệp hội cùng các thành viên ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Việt Nam thúc đẩy đưa Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trở thành bộ quy tắc về quan hệ giữa các nước ASEAN, cũng như các nước ngoài khu vực. Việt Nam cũng tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) giúp hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở phù hợp với các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cùng với các nước thành viên tham gia tích cực trong quá trình đàm phán và ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc; cũng như đàm phán sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Chúng ta có nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng góp phần giữ vững các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực, hạn chế sự can thiệp và chi phối của bên ngoài. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy “văn hóa thực thi” trong ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đề xuất, đi đầu trong việc hình thành phương thức hoạt động mới của ASEAN để thích ứng với tình hình, nhất là hình thức họp trực tuyến. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm trong hợp tác ASEAN cũng như hợp tác ở khu vực và thế giới.