Việt Nam - thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam bằng những đóng góp hiệu quả, thiết thực của mình đã khẳng định là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các hoạt động duy trì hòa bình, thịnh vượng của khu vực, hướng đến xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.

Dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 8 đến 9-11 và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 và các hội nghị liên quan từ ngày 10 đến 13-11 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch ASEAN 2022. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự trực tiếp các Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với đối tác. Các hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của khu vực

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của khu vực

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 và các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh vừa kỷ niệm 27 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội này (28-7-1995 / 28-7-2022). Việc Việt Nam gia nhập ASEAN hơn 27 năm trước đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta. Tiến trình này đã diễn ra trong sự hội nhập hoàn chỉnh về tất cả các mặt từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đối với tất cả các nước và các tổ chức khác của nước ta.

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của khu vực và để lại những dấu ấn quan trọng, đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa khu vực ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công chung của khối ASEAN ngày hôm nay. Việt Nam cùng với các nước trong khu vực đã tích cực xây dựng cộng đồng trên tất cả các trụ cột từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt dành ưu tiên cho tăng cường kết nối ASEAN. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN mở rộng quan hệ đối tác với tất cả các nước trên thế giới.

Việt Nam kể từ khi gia nhập tới nay đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng của Hiệp hội từ một khởi đầu khiêm tốn, từng bước lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và trung tâm chính trị - kinh tế trên thế giới. ASEAN hiện nay là một Cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với tổng GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân.

Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông Nam Á còn lại cùng tham gia Hiệp hội, qua đó giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực. ASEAN hiện là một tổ chức khu vực có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác.

Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua việc tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)… quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc và Canada.

Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm thành viên, đóng góp vào các thành tựu chung của Hiệp hội. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội; đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 và 2020. Chúng ta tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết của ASEAN. Những đóng góp đó của Việt Nam được các nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt ASEAN.

Cùng nhau giải quyết thách thức

Với chủ đề của Chủ tịch ASEAN “Hành động ASEAN: Cùng nhau giải quyết thách thức”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan sẽ trao đổi, thảo luận các sáng kiến về phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của ASEAN. Cùng với đó là việc xét duyệt Timor Leste trở thành thành viên của ASEAN, sự gia nhập của các quốc gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cùng nhiều vấn đề khu vực và quốc tế khác nhau cũng sẽ được bàn luận sâu hơn.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đã xác nhận 11 văn kiện về kết quả để thông qua và 20 văn kiện để các nhà lãnh đạo ASEAN công nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41. Thêm vào đó, các cuộc họp cũng tái khẳng định ủng hộ các ưu tiên của ASCC Campuchia 2022 như nâng cao các giá trị, nhận thức và bản sắc của ASEAN, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và trao quyền cho phụ nữ, tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và bảo vệ xã hội, đồng thời tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 40 - 41 và các hội nghị liên quan cũng trao đổi về tiến độ triển khai Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và một số vấn đề cùng quan tâm khác. ASEAN tỏ rõ trách nhiệm, đoàn kết, sẻ chia hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay.

Theo chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự hơn 20 hoạt động, với nhiều hội nghị quan trọng, thảo luận nhiều vấn đề lớn như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo các đối tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia và các quốc gia khác, đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác. Đồng thời, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề của ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.