Việt Nam sẽ có Tổng Thư ký Quốc hội trong thời gian tới?

ANTĐ - Chiều 28-3, nước chủ nhà IPU 132 Việt Nam đã tổ chức buổi Họp báo quốc tế về Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP). Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức IPU 132 và bà Doris Katai Katebe, Chủ tịch Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện, chủ trì cuộc họp báo.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo

Mở đầu cuộc họp báo, Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hiệp hội Tổng Thư ký Nghị viện (Association of Secretaries General of Parliaments - ASGP) là cơ quan tham vấn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhằm thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân giữa các Tổng Thư ký nghị viện, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ban Thư ký nghị viện, bao gồm cả các nghị viện không phải là thành viên IPU. Do vậy, tư cách thành viên của ASGP là độc lập với IPU. Thành viên tham dự Hiệp hội gồm Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của các Nghị viện quốc gia, kể cả những Nghị viện không là thành viên của IPU.

Hiệp hội có chức năng nghiên cứu các văn bản pháp luật, quy trình, thực tiễn và phương thức hoạt động của các nghị viện và đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động này, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác giữa cán bộ phục vụ nghị viện của các nước. Khi có yêu cầu, Hiệp hội cũng tham mưu giúp IPU về những nội dung trong phạm vi chuyên môn của mình. Khi Hiệp hội hoặc các thành viên khác yêu cầu, mỗi Nghị viện thành viên cần cung cấp thông tin về luật, thực tiễn, quy trình và phương thức làm việc cũng như vấn đề tổ chức, các hoạt động phục vụ của Nghị viện mình.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Việt Nam có áp dụng chức danh Tổng Thư ký nghị viện như một số mô hình tại một số nước hay không? Chủ nhiệm VPQH Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ còn Lào và Việt Nam là còn có chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII vào tháng 6 tới đây, nội dung này sẽ được báo cáo trước Quốc hội. Chủ nhiệm VPQH Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện nay có nhiều nhiệm vụ của Chủ nhiệm VPQH Việt Nam tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký nghị viện. "Tôi rất kỳ vọng nội dung này sẽ được thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội", Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ.

Tại ASGP lần này, Chủ nhiệm VPQH Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc, sẽ điều hành phiên thảo luận với nội dung quan trọng là: Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả. Đây là nội dung thiết thực, trong bối cảnh nhiều Nghị viện được thành lập hoặc tái thành lập trên thế giới, mục đích của phiên thảo luận này là nhằm xem xét các mô hình tổ chức cơ quan giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả trên cả phương diện tổ chức hành chính cũng như hỗ trợ luật pháp nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động của Nghị viện. “Đây là một vấn đề tất cả các nước đều rất quan tâm, tôi tin là sẽ có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, những kinh nghiệm quý giá để giúp cho các nước cũng như Việt Nam thực sự tìm ra một mô hình cơ quan giúp việc, thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của Nghị viện”, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đánh giá cao những đóng góp của VPQH Việt Nam khi đã chuẩn bị chu đáo các nội dung rất được các nước quan tâm, bà Doris Katai Katebe, Chủ tịch Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện bày tỏ, bà cảm thấy rất hạnh phúc khi có mặt tại Việt Nam và nhấn mạnh đây là dịp ý nghĩa để các thành viên ASGP được tham quan, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.