Việt Nam không thừa sân bay

ANTĐ - Quy hoạch cảng hàng không (CHK), sân bay hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người cho rằng, Việt Nam hiện dư thừa sân bay, bởi có những sân bay quá vắng khách để cỏ mọc, trâu bò vào khu vực bay… Ông Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ GTVT đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Hoạt động của các CHK hiện nay ra sao thưa ông?

- Ông Phạm Quý Tiêu: Hiện các CHK địa phương đều bị lỗ vì tần suất bay thấp và phí phục vụ thấp hơn chi phí thực tế. Cụ thể, ngoài CHK Nội Bài, hàng năm Tổng công ty Hàng không miền Bắc phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho 5 CHK địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình là Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng), Nà Sản (Sơn La), Điện Biên. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các CHK này chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu chính trị xã hội, an ninh quốc phòng theo định hướng của Chính phủ.

- Trong khi nhiều CHK hoạt động lỗ, Bộ GTVT lại chủ trương mở thêm nhiều CHK nữa, như vậy có nghịch lý?

- Ông Phạm Quý Tiêu: Quy hoạch CHK, sân bay từ nay tới năm 2020 định hướng 2030 đều căn cứ vào nhu cầu phát triển của đất nước. Theo đó,  quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020 đến 2030 đã quy định cụ thể, tỉnh nào có CHK sân bay, tỉnh nào có sân bay. Bởi đối với phát triển HK, nếu không có quy hoạch, sau này rất khó khăn, do đất đai bị sử dụng vào mục đích khác, hơn nữa, chi phí giải phóng mặt bằng ngày càng cao, trong khi, nhu cầu sử dụng vận tải HK ngày một tăng. Từ nay tới năm 2020 chúng ta sẽ có 26 sân bay và một số sân bay phục vụ cho an ninh quốc phòng. Hiện chúng ta đang quản lý và khai thác 20 sân bay, trong đó sân bay Đà Nẵng đang tạm dừng.

- So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều sân bay?

- Ông Phạm Quý Tiêu: So với một số nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan,

Singapore… thì chúng ta không nhiều hơn. Đơn cử như Campuchia, họ chỉ có hơn 180.000km2, nhưng có đến 18 CHK. Trong khi, sản lượng thông qua các CHK chỉ đạt 6,6 triệu hành khách. Thêm vào đó, họ có đến 14 hãng HK. Nhìn lại Việt Nam, năm 2010 hành khách qua cảng đã 31,5 triệu. Chúng ta có 20 sân bay, trong đó 12 CHK nội địa và 8 cảng quốc tế. Tổng thị trường vận tải là 21 triệu hành khách. Hiện tại, chúng ta chỉ có 10 hãng HK. Hay cùng một diện tích hơn 300.000km2 như Philippines có 46 CKH, Nhật Bản có 53 CHK và Malaysia có  37. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng những sân bay lớn, quan trọng, còn các sân bay nhỏ, địa phương sẽ tự tìm nhà đầu tư.

- Trong bối cảnh giá cả leo thang, lạm phát gia tăng, ngành HK lại đề nghị nới mức trần, liệu có “thêm dầu vào lửa”?

- Ông Phạm Quý Tiêu: Vừa qua chúng tôi cũng đã báo cáo và được Chính phủ thông qua việc nới giá trần đối với giá cước vận tải HK.

Trong vận tải HK, trong khung giá trần có rất nhiều mức giá, nếu tới đây được Bộ Tài chính thông qua, thì việc nới cũng phải kèm theo điều kiện, chứ không phải cứ thế tăng. Ví dụ, bán trên khung giá cao đến giá trần vào những ngày nghỉ, ngày lễ, tết thường đông, ngày thường ít khách, chúng ta sẽ áp dụng giãn giá. Còn trong bối cảnh hiện nay, xăng dầu  tăng, tỷ giá cũng tăng, trong khi, toàn bộ chi phí xăng dầu, chi phí bay của ngành HK là chi phí nhập như tàu bay, vật tư, bảo dưỡng….

 Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định lại, để đảm bảo hành khách sử dụng dịch vụ vận tải HK được đảm bảo quyền lợi.