Việt Nam khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam tham gia Khóa họp thứ 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc khi đang đảm nhiệm những trọng trách lớn của khu vực và thế giới. Với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tuần lễ cấp cao, bao gồm phiên thảo luận chung cấp cao và các phiên họp cấp cao khác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi thông điệp quan trọng tới Phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi thông điệp quan trọng tới Phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều đã gửi thông điệp tới các hội nghị. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam có thông điệp gửi đến các hội nghị nhằm khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm chủ động tham gia, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế của Việt Nam, đồng thời thể hiện quan tâm của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đặc biệt, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến Đại hội đồng Liên hợp quốc, thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đã cho thấy đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia.

Trước đó, trong thông điệp gửi “Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của Liên hợp quốc với tư cách là “trung tâm điều phối hành động của các quốc gia”, đặc biệt khi thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ; nêu rõ cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, hợp tác hơn nữa để tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên hợp quốc; tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia cũng như đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.

Có thể nói các thông điệp của lãnh đạo Việt Nam là lời khẳng định rõ ràng rằng Việt Nam tiếp tục tin tưởng vai trò không thể thiếu của hợp tác đa phương và Liên hợp quốc nói riêng trong giải quyết các thách thức của thời đại, đồng thời cũng thể hiện Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế gánh vác trách nhiệm chung.

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công, giữ vai trò đầu tàu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến của Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức ở cấp độ quốc gia.

Tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thông điệp gửi tới Phiên họp cấp cao Kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ với chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái”, khẳng định sự ủng hộ và những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong thông điệp gửi đến Phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thể hiện mạnh mẽ ở việc Việt Nam đã tham gia tất cả các điều ước quốc tế về vấn đề này, bao gồm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và gần đây nhất là Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Những thông điệp mang rất nhiều ý nghĩa mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 một lần nữa cho thấy dấu ấn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam không chỉ thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình và độc lập với cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại Liên hợp quốc.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã kết thúc ngày 2-10. Cho dù phiên thảo luận chung và các phiên họp cấp cao năm nay chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhưng đây vẫn là cơ hội để tất cả các nước trên thế giới xích lại gần nhau và vạch ra lộ trình cho tương lai.