Việt Nam - điểm đến cho đầu tư và du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
9ANTD.VN - Trong thế giới đang có nhiều biến động, Việt Nam là điểm đến an toàn thu hút đầu tư nước ngoài và du khách. Thành tích này được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới

Điểm đến an toàn trong “cơn bão”

Trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, ngày 16-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực sức khỏe, năng lượng và dầu khí. Thủ tướng chia sẻ với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, giữ vững độc lập chủ quyền, ổn định chính trị và thực sự là điểm đến an toàn trong “cơn bão”.

Điều này có thể nhận thấy qua hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 11-2023, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với hơn 280,5 tỷ USD. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,6 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện với gần 38,6 tỷ USD.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đã thăng hạng ngoạn mục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ vị trí thứ 136 vào năm 1986 lên vị trí thứ 28 trên thế giới vào năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khi trả lời câu hỏi khảo sát, có đến 60% các nhà đầu tư Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN. Các nhà đầu tư châu Âu thì xếp Việt Nam trong top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Có tới 41% số doanh nghiệp cho biết đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, báo chí, truyền thông nước ngoài còn liên tục xếp hạng du lịch Việt Nam gắn với nhiều cái nhất như top điểm đến hấp dẫn nhất, đáng ghé thăm nhất, top quốc gia có tỷ lệ tìm kiếm đặt phòng cao nhất. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng. Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam cũng là điểm đến duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Đầu tháng 7-2023, tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust của Anh đã đưa 3 di sản UNESCO của Việt Nam gồm Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào danh sách các di sản đáng ghé thăm nhất Đông Nam Á. Tạp chí Anh mô tả các di sản của Việt Nam mang những vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng, trong đó Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách 16 di sản

UNESCO ấn tượng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Kỳ quan thiên nhiên thế giới của Việt Nam cũng được chuyên trang du lịch của hãng tin CNN xếp hạng là một trong 25 điểm đến đẹp nhất toàn cầu.

Nỗ lực hoàn thiện chủ trương và biện pháp thực hiện

Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, với việc đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên thu hút các dự án như: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Trong lĩnh vực du lịch, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực. Mục tiêu đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa.

Để tiếp tục củng cố vị trí điểm đến an toàn cho đầu tư và du khách, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các chủ trương, biện pháp thực hiện. Về đầu tư, trong dài hạn, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trong quá trình đề xuất, xây dựng, ban hành các chính sách cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc. Các chính sách mới ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đi vào cụ thể, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Cùng với đó là có các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác liên kết các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước, Chính phủ đã chỉ đạo cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Trong quá trình triển khai, cần chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao…

Đặc biệt, ngày 24-6 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời, nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính sách này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2023.