Việt Nam có công bố hết dịch Covid-19 hay không, tiêm vaccine sẽ thay đổi như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời về việc bao giờ thì Việt Nam công bố hết dịch Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngay cả ở cuộc họp của WHO, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng.
Đại diện WHO và Bộ Y tế chia sẻ về tình hình dịch Covid-19 hiện nay

Đại diện WHO và Bộ Y tế chia sẻ về tình hình dịch Covid-19 hiện nay

Chiều 8-5, đại diện WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã thông tin cụ thể sau khi WHO vừa tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của Covid-19.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, dù tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp với dịch Covid-19 nhưng không có nghĩa là nó biến mất, không còn là mối đe dọa mà vẫn hiện hữu trong cộng đồng.

Lý do WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp là vì cơ quan này đánh giá tình trạng thích ứng với Covid-19, số ca mắc, số ca nặng, cần chăm sóc đã giảm. Ngoài ra, cộng đồng đã có miễn dịch tự nhiên do số ca mắc bệnh nhiều.

Hiện tại, số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại, người bệnh vẫn cần chăm sóc tích cực. Do đó, WHO khuyến cáo Việt Nam cần đề cao cảnh giác và có biện pháp thích hợp với tình hình dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi bao giờ thì Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19?, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc phòng chống dịch Covid-19 phải mang tính toàn cầu, không phải vấn đề riêng của một quốc gia, một địa phương. Hiện Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch vẫn ở mức cao.

Ông Lân cho biết, thực tế từ tháng 10-2021, Việt Nam đã có thay đổi, chuyển sang chế độ thích ứng với dịch Covid-19. Đặc biệt, Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ vào tháng 3/2022 có kế hoạch phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống Covid-19 trong tình hình mới, tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác. Mặt khác, Việt Nam không còn hạn chế đi lại.

“Hiện mỗi ngày Việt Nam có khoảng 2.000 ca bệnh, vẫn còn ca nặng, tử vong và việc chăm sóc hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế. Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5-5 vừa qua, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng” – ông Lân nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho các cơ quan của Chính phủ đưa ra biện pháp phù hợp, linh hoạt, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.

Về vấn đề tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tới đây, chúng ta sẽ không tổ chức tiêm vaccine Covid-19 theo chiến dịch, mà sẽ đưa vào tiêm chủng thường xuyên, cùng các vaccine khác. Dự kiến mỗi tháng, các trạm y tế có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên tuỳ theo các trạm ở các địa phương khác nhau.