Việt Nam chưa có ca bệnh đậu mùa khỉ, người đến từ vùng dịch phải theo dõi 21 ngày

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Y tế khẳng định đến thời điểm này Việt Nam chưa có ca bệnh xâm nhập, đồng thời yêu cầu theo dõi sức khỏe với người về từ vùng có dịch đậu mùa khỉ trong 21 ngày…
Người từ vùng có dịch đậu mùa khỉ đến Việt Nam phải theo dõi sức khỏe 21 ngày

Người từ vùng có dịch đậu mùa khỉ đến Việt Nam phải theo dõi sức khỏe 21 ngày

Chiều nay, 22-8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo hướng dẫn này, trường hợp bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ được xác định có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác như thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...

Người nghi ngờ mắc bệnh có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt (>38,5°C), nổi hạch, đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, đau lưng, mệt mỏi.

Ngoài ra, trường hợp nghi ngờ có các yếu tố dịch tễ như: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ qua da hoặc tổn thương da - bao gồm cả quan hệ tình dục, hoặc có quan hệ với nhiều bạn tình trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

Về giám sát nhập cảnh, theo hướng dẫn, tại các cửa khẩu sẽ giám sát qua đo thân nhiệt, kiểm dịch y tế, hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ.

Đặc biệt, người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực đang có dịch đậu mùa khỉ cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Trước đó, ngày 29-7, tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, Bộ Y tế quy định người mắc đậu mùa khỉ sẽ phải cách ly tối thiểu 14 ngày.

Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị và phòng chống lây nhiễm.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong nước điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ theo định nghĩa nêu trên.