Việt Nam chính thức có tiêu chuẩn cơ sở về phun thuốc trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa công bố tiêu chuẩn về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng drone (thiết bị bay không người lái).

Theo Cục BVTV, đây cũng là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên drone.

Đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng và áp dụng rộng rãi các công nghệ phun mới tại Việt Nam, nâng cao mức độ hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV, cho biết việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở cũng dựa trên kết quả của việc tiến hành các mô hình thử nghiệm, quá trình nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng cũng như tham vấn với nhiều bên có liên quan.

Trong hai năm 2021 - 2022, Cục đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam (VIPA) tiến hành một số mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng drone.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.

Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ drone để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thiết bị drone cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động.

Nông dân tham gia khảo nghiệm cũng ghi nhận rằng họ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật ít hơn so với phun thông thường.

Dựa trên kết quả khảo nghiệm, Cục BVTV đã tiến hành xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng drone.

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa tiêu chuẩn này để làm sao nâng lên thành tiêu chuẩn Việt Nam và trở thành quy định mang tính phổ biến cho tất cả các lĩnh vực có liên quan đến sản xuất nông nghiệp" - ông Đạt nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục BVTV cũng lưu ý, để đăng ký thiết bị bay không người lái trong phạm vi sử dụng phải qua Bộ Quốc phòng. Khi triển khai ở địa phương phải xin phép công an tại địa phương, tránh trường hợp bị quay phim, chụp hình. Đồng thời, muốn nhập khẩu thì phải qua Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Tiêu chuẩn được công bố mặc dù là tiêu chuẩn cơ sở nhưng mang tính chất ngành, tính chất áp dụng bước chuyển đổi trong phương thức sản xuất, từng bước đưa chuyển đổi số, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực BVTV nói riêng; đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay của các địa phương, đáp ứng chủ trương định hướng của ngành nông nghiệp, Chính phủ trong các chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đưa nông nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh, xanh sạch, sinh thái”- ông Đạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết tại Việt Nam, một số doanh nghiệp của hội đã tiến hành áp dụng drone để phòng trừ một số sinh vật gây hại trên cây lúa, ngô, rau, cây ăn quả.

Kết quả phun bước đầu cho thấy có hiệu quả tương đương, có nhiều trường hợp hiệu quả cao hơn các thiết bị phun thông thường.

"Việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở này là cơ sở quan trọng cho các doanh nghiệp áp dụng trong việc đăng ký sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên drone trong tương lai" - ông Sơn nói.

Bà Đào Thu Vinh, đại diện CropLife Việt Nam, đề nghị trong thời gian tới Cục BVTV tiếp tục xây dựng và hướng dẫn vận hành quy trình thao tác chuẩn để bà con nông dân có thể tiếp cận được công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm hơn.