Viêm não, sốt xuất huyết đe dọa trẻ nhỏ

ANTĐ - Thời điểm này tại miền Bắc, dịch viêm não, viêm màng não đang bước vào mùa cao điểm. Cùng lúc, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ cũng bắt đầu gia tăng. Đáng chú ý, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, cùng một số thông tin thiếu chính xác liên quan đến dịch bệnh lan truyền trên mạng xã hội đã tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng chống sốt xuất huyết

Bác bỏ thông tin ăn quả vải bị viêm não

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ăn quả vải dễ bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, thậm chí một số người không dám mua quả vải về ăn. Trước thông tin này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện “ăn quả vải dễ mắc bệnh viêm não”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sở dĩ có tin đồn này vì vào mùa vải, tức tháng 6-7 hàng năm cũng trùng vào tháng cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản ở miền Bắc, với số mắc tăng mạnh và nguy cơ bùng phát dịch lớn, hơn nữa bệnh này lại thường gặp nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Sở Y tế Hà Nội cũng vừa thông báo đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại các bệnh viện của thành phố.

Đáng chú ý, số bệnh nhân tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm cuối mùa hè, đầu mùa thu trẻ rất dễ mắc bệnh này nên phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, chú ý phòng bệnh cho trẻ. Trẻ bị viêm não Nhật Bản dễ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong. 

PGS. TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, các bệnh viêm não nói chung chủ yếu xảy ra ở trẻ 2-8 tuổi. Hiện đã có vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vào mùa cao điểm của dịch bệnh như thời điểm này, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, nôn vọt, cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não và nên đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết sắp “vào mùa”

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 419 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, các trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở 11 tuần đầu năm và bắt đầu tăng nhanh trở lại trong vài tuần gần đây, trùng với thời điểm Hà Nội bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay đang trải qua những ngày nắng nóng, lại có những trận mưa đan xen. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ... phát triển.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, nhằm chủ động ngăn chặn, không để sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa này và những tháng cuối năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất diện rộng, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đợt 1 từ tháng 7-8, đợt 2 từ tháng 10-11 tới.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lựa chọn những xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch phun hóa chất… Về biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, PGS.TS. Phạm Nhật An cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: sốt rất đột ngột, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi, người lớn đau đầu, đau sau hốc mắt, trẻ em quấy, ngoài ra còn đau cơ, thân thể.

Nếu mắc sốt xuất huyết dengue, trẻ thường sốt cao, dùng thuốc có thể giảm nhưng khống chế sốt không trở về bình thường được; ngoài ra sốt xuất huyết có các triệu chứng khác như viêm đường hô hấp trên, đau bụng, đau họng...

PGS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo, với các bệnh nhân sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo thì có thể chữa ở nhà bằng thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước, điện giải như dùng orezol, còn khi mắc sốt xuất huyết nguy hiểm như bệnh nhân có đau bụng, biểu hiện xuất huyết nhiều, trẻ li bì, nôn nhiều, chân tay lạnh, khó thở... cần đưa ngay đến bệnh viện điều trị.