Việc thi hành án thực hiện ra sao khi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bỏ trốn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong đại án xảy ra tại AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị xét xử vắng mặt. Điều khiến nhiều người quan tâm là khi bản án có hiệu lực, việc thi hành án được thực hiện ra sao?

Sắp tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm trong vụ AIC (trong đó, bà Nhàn cùng bảy bị cáo khác đã bỏ trốn và bị truy nã).

Sau khi xét xử xong, bản án sẽ được thi hành. Về việc thu hồi tiền, tài sản thất thoát trong vụ án này, theo kết quả xét xử sơ thẩm, nhiều tài sản của các bị cáo đã bị kê biên, phong tỏa. Một số bị cáo đã chủ động nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính nên sau khi bản án có hiệu lực, việc xử lý tài sản để thi hành án không có trở ngại lớn - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Về việc thi hành phần hình phạt đối với các bị cáo, Khoản 4 Điều 23 Luật thi hành án hình sự 2019 nêu rõ, trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC cùng đồng phạm

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC cùng đồng phạm

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt…

Trường hợp bắt được thì áp dụng các quy định về thi hành án hình sự, thời điểm bắt đầu tính chấp hành hình phạt tù kể từ ngày thi hành quyết định của Cơ quan thi hành án hình sự.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 291 Bộ luật TTHS 2015 cũng nêu rõ, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, nếu xét xử trong những trường hợp này, việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật sau khi được tuyên sẽ có những quy định cụ thể.

Đối với bị cáo bị truy nã mà việc truy nã không có kết quả - không biết bị cáo đang ở đâu, thì khi nào bắt được bị cáo hoặc bị cáo đầu thú thì sẽ phải thi hành bản án mà tòa án đã tuyên.

Còn đối với bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp thuận, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật các bị cáo này không chấp hành thì trường hợp này sẽ bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp.