Vỉa hè trước cửa, cứ tưởng của mình: Không thể nhân nhượng

ANTĐ - Bên cạnh những tuyến phố bị chiếm dụng vỉa hè vô tội vạ thì vẫn còn một số con đường phong quang, khách bộ hành có thể đi trên phần đường dành riêng cho mình, không lo bị các phương tiện khác chèn ép, va quệt. Đó là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền các phường sở tại, các ban ngành liên quan và sự tự giác của nhiều hộ dân.

Tuyến phố Tràng Thi và Hàng Bông thông thoáng và sạch sẽ, đảm bảo lối đi cho người đi bộ

Điểm sáng cần nhân rộng

Có đi qua những đoạn vỉa hè đông đúc, dày đặc xe máy, bàn ghế và hàng rong, mới thấy trân trọng sự yên tĩnh, thanh bình của những đoạn vỉa hè rộng rãi, sạch sẽ. Dạo một vòng qua tuyến phố Tràng Tiền - Lê Thái Tổ - Tràng Thi, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về điều này. Mặc dù ở các tuyến phố này vẫn có trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh túi xách, quần áo, giày dép…song không có bóng dáng xe máy, xe đạp của khách dừng đỗ trên vỉa hè. Các phương tiện này đều được trông giữ trong nhà hoặc trong các ngõ nhỏ do các chủ cửa hàng liên hệ cho khách. Bên cạnh đó, hàng rong, hàng nước, hàng ăn… cũng hầu như không có. 

Bà Phạm Thanh Hòa – người dân sống tại phố Tràng Thi gần 20 năm nay cho biết, hầu như ngày nào bà cũng duy trì thói quen ngày 2 lần đi bộ tập thể dục trên vỉa hè. Do vỉa hè đường Tràng Thi khá rộng, lại được chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, duy trì an ninh trật tự, văn minh đô thị nên không bị lấn chiếm để sử dụng vào mục đích khác. Người đi bộ có thể vừa tản bộ, vừa ngắm cảnh hay vào các cửa hàng xem đồ với tâm trạng thoải mái. “Những người già như chúng tôi sống ở trong những căn hộ chật chội nên rất muốn ra ngoài hít thở không khí trong lành. Ở trung tâm thành phố như tôi mà hàng ngày được tản bộ trên vỉa hè rộng rãi, thoáng đãng là điều vô cùng quý giá. Tôi mong ngày càng có thêm nhiều tuyến phố khác phong quang như tuyến phố này để người đi bộ bớt khổ”- bà Hòa chia sẻ. 

Cách phố Tràng Thi không xa là phố Hàng Bông. Đây là một trong những tuyến phố có hoạt động buôn bán nhộn nhịp và sầm uất nhất Hà Nội. Hầu hết những ngôi nhà mặt phố đều được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cùng với lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông song, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định hay xả rác bừa bãi…hầu như không xảy ra. Anh David Dyer – một du khách người Anh cho biết, khi đi bộ trong phố cổ Hà Nội, nếu như những tuyến phố khác khiến anh rất sợ hãi thì phố Hàng Bông lại cho anh cảm giác thư giãn và an toàn. Anh David hồ hởi: “Thật hiếm có tuyến phố thương mại nào lại có được sự rộng rãi, quang đãng như vậy. Tuy đôi lúc trên vỉa hè vẫn còn một vài chiếc xe máy dựng chắn lối đi, còn đối tượng đeo bám khách du lịch, nhưng theo tôi, việc duy trì văn minh vỉa hè trên tuyến phố này là thành công không nhỏ của chính quyền sở tại”.

Kết hợp xử lý và tuyên truyền

Theo đại diện một số phường tập trung những tuyến phố có vỉa hè rộng, mật độ các hộ kinh doanh, buôn bán đông, việc nhắc nhở, giám sát chỉ có hiệu quả đối với những người dân thường trú trên địa bàn phường. Khó xử lý nhất là những người bán hàng rong, người dân ở nơi khác tới địa bàn buôn bán, bởi họ sẵn sàng sắm lại đồ mới để tiếp tục kinh doanh nếu bị lực lượng chức năng thu giữ. Trước thực tế này, ông Hoàng Dương Lai - Chủ tịch UBND phường Hàng Bông chia sẻ, là một trong những phường tập trung nhiều tuyến phố kinh doanh, buôn bán và có 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nên UBND phường Hàng Bông xác định đảm bảo trật tự, văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng, cần giải quyết triệt để. Phường đã phối hợp với các bệnh viện ký kết giao ước, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm, đảm bảo ANTT trên các tuyến phố Quán Sứ, Phủ Doãn, Hà Trung, Tràng Thi, Hàng Bông, ngã tư Trần Phú - Tống Duy Tân. Trong đợt triển khai kế hoạch lập lại trật tự đô thị, giải quyết tình trạng chiếm dụng lòng lề đường, Ban chỉ đạo phường đã tổ chức họp bàn, phân công chỉ đạo công việc, tập trung xử lý những điểm “nóng”. Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả chính là duy trì tốt ý thức chấp hành về trật tự đô thị của người dân.

Ông Hoàng Dương Lai cho rằng, việc duy trì tổ tự quản ở các khu dân cư để tuyên truyền, vận động, cam kết, nhắc nhở và đề xuất xử lý những hộ kinh doanh vi phạm chính là cách tiếp cận trực tiếp và hiệu quả đến từng người dân. Bên cạnh lực lượng chính quy, những tổ tự quản luôn có mặt vào các giờ cao điểm, đi đến từng hộ gia đình kinh doanh trên các tuyến phố nhắc nhở để xe đúng vị trí, sắp xếp hàng quán đúng nơi quy định, tạo vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Song song với biện pháp xử lý hành chính, UBND phường còn đưa danh sách những hộ vi phạm lên loa phát thanh phường, nếu tái phạm sẽ đề xuất xử lý mạnh hơn để tăng tính răn đe, đồng thời thu giữ bàn ghế, tủ kệ và nhiều dụng cụ buôn bán khác, không giải quyết trả lại. Bên cạnh đó, phường cũng vận động các cơ quan, tổ chức và các hộ kinh doanh mặt tiền giữ gìn vệ sinh chung đảm bảo sạch đẹp, an toàn, cam kết không vứt rác ra đường phố.

Có thể thấy, việc vận động, thuyết phục, ký cam kết, sắp xếp cho các hộ kinh doanh bố trí phương tiện, không gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, kiên quyết xử lý khi vi phạm, đó là việc trong tầm tay của các phường và trong chừng mực nào đó phù hợp với thực trạng hiện nay, khi phần lớn người dân đang sống nhờ vào “kinh tế vỉa hè”.